Thứ Bảy, 29 tháng 2, 2020

CORONA

CORONA
 
Cô Vi ghé thăm Đức...trong vòng mấy ngày mà con số nhiễm tăng lên một cách nhanh chóng! Chỉ ở Kreis Heinsberg hôm thứ hai chỉ có hai người nhiễm, giờ đã lên đến 60 người! Số người bị cách ly cũng cả ngàn! Thật sự không biết sẽ còn lên đến bao nhiêu!

Nếu cách đây ít tuần mà bảo rằng ở Đức không mua được khẩu trang, thuốc rửa tay hay thuốc cảm thôi, chắc không ai tin! Nhưng giờ thì thật sự l
à vậy! Không còn một nhà thuốc Tây nào ở vùng TT ở còn một chiếc khẩu trang hay một chai nước rửa tay! Ngay cả thuốc cảm bình thường như Paracetamol cũng khó mua! Có những nhà thuốc không còn, nơi còn thì chỉ bán mỗi đầu người một hộp 20 viên! Phải đi lùng ở những khu thưa người ở thì họa may còn mua được thuốc! Thử lên mạng tìm, cũng hết! Chổ còn giá mắc gấp mấy chục lần: một chai nước rửa tay ở DM bình thường giá 2 €...lên Amazon tìm...có đó, giá 30€ cộng thêm tiền cước! Chết dỡ...Kẹt quá cũng phải chịu thôi!

Không những chỉ những vật dụng y tế này mà ngay cả những vật dụng hàng ngày cũng thế. Đi khắp cả vùng, siêu thị nào cũng không còn bánh mì khô, gạo, đồ hộp, súp ăn liền...ngay cả giấy chùi tay và vệ sinh cũng hết! Đến tiệm Á Châu...gạo và mì gói cũng sạch bách! Cứ như thế chiến...Mọi người hoang mang làm mình cũng hoang mang...Muốn làm, muốn viết một cái gì đó để quên...nhưng thật khó...thôi viết về Cô Vi...viết ra hết rồi đóng sổ...chớ giờ cũng không biết phải làm gì!

Điên điên...Ngồi ngẫm nghĩ hổng biết mình còn có gì luyến tiếc hông ta...chắc còn...Còn một lời hứa chưa thực hiện được...Hì...

À mà hôm nay 29.02. Thấy thiên hạ đăng là ngày phụ nữ cầu hôn...Mới biết à nghen! Còn mấy tiếng nữa mới hết ngày...hmmm 🤔😜

29.02.2020
TT-Thanh Trước

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2020

LẶNG NGHE

LẶNG NGHE

Lặng nghe...
hơi thở thời gian
Khẽ rung cánh gió Đông tàn...

nhạt phai
Xuân chưa...?
Thoảng chút u hoài
Vấn vương sợi nhớ...
mệt nhoài...bóng ta

Lặng nghe...
đời nhẹ lướt qua
Sương pha tóc úa...
chiều tà chậm rơi
Nhạc sầu trổi khúc tình vơi
Lạc câu yêu ái...
ru hời...
mộng hoang

Lặng nghe...
hồn chợt ngỡ ngàng
Tim côi quạnh vắng...
võ vàng hương xưa
Men cay...cạn xót xa...vừa...

28.02.2020
TT- Thanh Trước

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

NHỎ...LẠI NHỚ!

NHỎ...LẠI NHỚ!

Nhỏ lại nhớ Anh...
Thèm lắm tiếng cưng...
Anh gọi Nhỏ bao ngày 

Thèm hơi ấm...
Thèm vòng tay ôm lấy Nhỏ
Thèm hơi thở...
đọng vương mùi khói thuốc
Khoảng không gian...
Chỉ riêng Nhỏ và Anh!

Nhỏ lại nhớ Anh...
Nhớ những lúc vào khuya
đêm trở giấc
Lời dịu dàng Anh bảo...
“Ngủ ngoan đi!”
Nhớ câu thơ...
ru khắc khoải một phận người
Và thêm nhớ...
Niềm đau...
dâng lồng ngực!

Nhỏ lại nhớ Anh...
Nhớ ray rức...
Nhớ...Không lời nào có thể tả
Muốn gào lên...
cho vơi bớt nỗi đợi chờ
Mặc kệ ai...
chê cười Nhỏ khùng điên
Nhỏ chỉ biết tim tràn đầy...
một chữ...Nhớ!

Nhỏ lại nhớ Anh rồi...!

25.02.2020
TT-Thanh Trước

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

NHỚ...

NHỚ...

Mây trời u ám
Ảm đạm hồn thơ
Nỗi nhớ vật vờ

Bơ vơ trống vắng

Xót xa sợi nắng
Chết lặng bên thềm
Đông giá lạnh chêm
Môi mềm...rượu cạn

Nhạc sầu ngơ ngẫn
Vương vấn lời yêu
Chiều...hắt hiu...chiều
Cô liêu nhịp thở

Mưa rơi hạt nhỏ
Vụn vỡ hương đời
Nhịp bước chơi vơi
Đêm...vời vợi...Nhớ!

24.02.2020
TT-Thanh Trước

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2020

KARNEVAL

KARNEVAL - MÙA THỨ NĂM

Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông...rồi đến “mùa thứ Năm”. Có rất nhiều tên gọi cho khoảng thời gian giữa hai mùa Đông-Xuân này: Karneval, Fasching, Fastnacht hay Fasnet tuỳ theo mỗi địa phương. Như tên gọi...mỗi vùng có những phong tục khác nhau cho lễ hội này: vui chơi đường phố, tụ họp quán xá với những câu chuyện trào phúng, mỉa mai cuộc sống hay dạ hội hoá trang, nhảy múa, ca hát….

Phong tục cho mùa này bắt đầu từ đâu và có ý nghĩa gì?

Theo Công giáo, Thiên Chúa giáo những cuộc ăn chơi điên dại này phát sinh khoảng hơn 1200 năm trước đây. Vào những ngày trước mùa chay, trước khi dùng thời gian tĩnh lặng, suy ngẫm, chuẩn bị đón mừng lễ Phục sinh trọng đại...mọi người lao đầu ăn uống, hát ca, nhảy múa...hết mình, hết sức...như không còn có cơ hội để thực hiện!
Karneval theo đúng nghĩa tiếng Latin là “carne vale” : carne = thịt, vale = từ giã. Karneval chấm dứt vào ngày thứ tư lễ tro, cũng là ngày bắt đầu cho mùa chay. Thời xưa trong 40 ngày mùa chay người ta không ăn thịt, ngay cả trứng hay những thực phẩm được làm bằng sữa cũng không. Ngày nay chỉ còn hai ngày: thứ tư lễ tro và thứ sáu tuần thánh là bắt buộc phải kiêng thịt mà thôi! Người ta có thể kiêng chay trong 40 ngày này bằng cách khác, chẳng hạn từ bỏ một thói quen, một sở thích, một vật dụng, một thức ăn...Cuộc sống hiện tại có quá nhiều thứ cám dỗ, nhiều thứ mà người cố công ôm giữ không muốn rời. Tôi có người bạn...nếu bảo anh ta 40 ngày không xem Tivi thì với anh, đó không còn là kiêng chay nữa mà là nhịn đói!


Bên cạnh thuyết này còn có thuyết xưa hơn nữa! Trước công nguyên rất lâu ở những vùng Germanen (vùng nói tiếng Đức) vào cuối mùa Đông một số người hoá trang thành quỷ, yêu...trong cuộc lễ...Đến lúc cao điểm lễ hội, dân làng cùng nhau dùng chiêng trống đánh đuổi ma quỷ ra khỏi làng, sau đó đàn hát nhảy múa gọi thần thánh mùa Xuân đến chúc phúc cho thiên nhiên, mùa màng và mọi người.

Trải qua nhiều thế kỷ...lễ hội Karneval, Fasching cũng có nhiều biến đổi.

Một nhân vật không thể thiếu được trong lễ hội này là “người pha trò”, “tên hề” (der Narr) và những chiếc mặt nạ của hắn.
Thời xưa trong dịp này người pha trò mang những chiếc mặt nạ biểu hiện cho 7 tội trọng, tội chết. Trong công giáo 7 tội trọng này là những tội làm cho người chia cách với thiên đàng:


1. Superbia: Kiêu ngạo
2. Avaritia: Hà tiện
3. Luxuria: Ham muốn xa xỉ
4. Ira: Giận dữ, hận thù
5. Gula: Ích kỷ
6. Invidia: Ganh tỵ
7. Acedia: Lười biếng


Hết cuộc lễ...người pha trò, tên hề bị đánh đuổi ra khỏi thành phố...tượng trưng cho sự từ bỏ tội lỗi, giữ mình trong mùa chay chuẩn bị đón lễ Phục sinh!
Ngày nay nhân vật pha trò dấu mình trong những chiếc mặt nạ, có thể là người tốt, có khi là kẻ xấu...để nói lên những điều bình thường ít ai dám nói mà không bị trách phạt vì đó chỉ là tên hề và cuộc chơi của hắn. Tên hề cũng là người duy nhất trong cung điện vua chúa ngày xưa được quyền sống hai mặt và có cái gọi là tự do ngôn luận.

Dù xưa hay nay người pha trò và vai tuồng của hắn đều mang một ý nghĩa nhắc nhở: “Ngươi có thể thử, có thể đóng tuồng nhưng đừng cả đời vùi mình vào những cuộc chơi vô nghĩa, những phù phiếm thế gian mà nên biết lúc dừng, tìm hiểu xem cái chi thật sự quan trọng đối với ngươi.”

Lễ hội Karneval được chấm dứt bằng thứ tư lễ tro. Vào ngày này người công giáo đi lễ và nhận dấu thánh giá bằng tro trên trán với ý niệm tro bụi sẽ trở về cùng tro bụi...mọi việc trên thế gian này rồi cũng sẽ qua đi, tan biến. Còn chăng là niềm tin vào sự hằng sống sau cái chết!

23.02.2020 - Karnevalsonntag
TT-Thanh Trước

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

KÝ ỨC

KÝ ỨC

Nghiêng ly...
cạn giọt Xuân thì
Đông...

vương ký ức
bờ mi đọng sầu
Hạ...
vàng úa
nỗi niềm đau
Rụng từng sợi nhớ...
nhạt nhàu...
Thu trôi...!

22.02.2020
TT-Thanh Trước


Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

TỰ TÌNH KHÚC

TỰ TÌNH KHÚC

HẠ TRẮNG...MƯA HỒNG đẫm lối đi
RỪNG XƯA ĐÃ KHÉP lỗi xuân thì
Âm thầm BIỂN NHỚ luôn hoài vọng

Lặng lẽ TÌNH SẦU mãi đậm ghi
TIẾNG HÁT DẠ LAN đêm quấn quyện
LỜI BUỒN THÁNH giá buổi chia ly
RU EM TỪNG NGÓN XUÂN NỒNG đượm
CỎ XÓT XA ĐƯA...mộng ái ghì.

20.02.2020
TT-Thanh Trước

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2020

NGẬM NGÙI

NGẬM NGÙI

NGƯỜI VỀ BỖNG NHỚ...hoàng hôn lạnh
Nhặt chút HƯƠNG XƯA...cánh mộng tàn
Nhạc BUỒN ngân điệu thở than 

DƯ ÂM đọng sót miên man giấc đời

Khung DĨ VÃNG chơi vơi trầm tưởng
TIẾNG THỜI GIAN lặng vướng bên thềm
Còn đây NỖI NHỚ DỊU ÊM
Ru hồn TRỐNG VẮNG...ru đêm mịt mùng

Câu dấu ái NGHÌN TRÙNG XA CÁCH
GIỌT MƯA THU tí tách u hoài
TÌNH trôi theo áng mây bay
LỆ HOANG ướt đẫm mi cay ngấn sầu

DẠ TÂM KHÚC nhạt nhàu cung phím
TIẾNG DƯƠNG CẦM chết lịm lời yêu
Bơ vơ CHIỀU TÍM loang chiều
NGẬM NGÙI tay với...hắt hiu ngõ hồn...

17.02.2020
TT-Thanh Trước

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

EM NHỚ ANH

EM NHỚ ANH

Em nhớ anh...
Khi màn đêm buông xuống
Khi không còn ánh sáng 

Khi mọi hy vọng đang lịm dần
Em nhớ anh...
Hãy ôm em trong vòng tay
Đừng bỏ em một mình
Hãy cho em trái tim anh
Em sẽ cho anh cả linh hồn
Dù thế giới ngăn cách đôi ta
Và trong anh có nhiều điều em không hiểu
Hãy cho em được bước vào
Hãy để em được lặng lẽ bên anh
Xin đừng để ánh sáng lịm tắt
Vì...Em sẽ nhớ anh...
Hãy cùng em hòa nhịp bản tình ca
Bao lâu...không cần biết
Hãy ôm em vào lòng
Khi tất cả chỉ còn là một màu đen tối
Em nhớ anh...
Xin đừng để ánh sáng lịm tắt
Em nhớ anh…


16.02.2020
TT-Thanh Trước

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2020

NHẠT NHOÀ

NHẠT NHOÀ

Với tay...chạm vết hư không
Bóng đời rạn vỡ mênh mông phận người
Chân hoang lạc bước trùng khơi

Về khua nỗi nhớ rã rời hồn đơn.

Với tay...chạm mắt môi hờn
Câu thơ gãy đoạn...điệu còn vấn vương
Ru ta một kiếp ...vô thường
Nụ tình trổ muộn...tóc sương bạc màu

Với tay...chạm phải niềm đau
Nhạc sầu hiu hắt...nghẹn ngào âm đưa
Đêm gầy...rũ giấc mộng thưa
Nghe trong hơi thở...hương vừa...phôi pha

Với tay...ngày tháng...nhạt nhoà...

15.02.2020
TT-Thanh Trước

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2020

HÔN EM ĐI

HÔN EM ĐI

Hôn em đi...
Hãy hôn em thật nhiều
Hôn như thể đêm nay là đêm cuối cùng

Hôn em...
Hãy hôn em thật lâu
Em sợ mất anh
Sợ mai này sẽ mất anh…!


Hôn em đi...
Hãy hôn em thật nhiều
Hôn như thể đêm nay là đêm cuối cùng
Hôn em...
Hãy hôn em thật lâu
Em sợ mất anh
Sợ mai này sẽ mất anh...
Em muốn có anh thật gần
Nhìn bóng em trong mắt anh
Nhìn thấy ta đang bên nhau
Có thể ngày mai em đã đi xa
Xa thật xa...
Xa anh...!


Hôn em đi...
Hãy hôn em thật nhiều
Hôn như thể đêm nay là đêm cuối cùng
Hôn em...
Hãy hôn em thật lâu
Em sợ mất anh
Sợ mai này sẽ mất anh...!


(Phóng dịch)
14.02.2020
TT-Thanh Trước

Ổ KHOÁ TÌNH NHÂN

Ổ KHOÁ TÌNH NHÂN

Từ bao giờ và từ đâu xuất phát huyền thoại về chiếc ổ khoá tình nhân không ai biết chắc chắn! Người ta đoán từ Âu châu hay nói đúng hơn từ thành phố Florenz - Ý, do những học sinh của trường cán sự y tế San Giorgio sau khi mãn khoá, đem những ổ khoá tủ của mình khoá vào hàng rào trường, lưu niệm! Về sau thì được những cặp tình nhân ở Rom áp dụng, hứa hẹn tình yêu vĩnh cữu tại cột đèn giữa cầu Milvischen. Trên những chiếc ổ khoá thường được khắc tên của đôi tình nhân và ngày tháng! Sau khi khoá ổ khoá xong thì cả hai cùng quăng chìa khoá xuống lòng sông Tiber và cùng nói “per sempre” có nghĩa là mãi mãi!

Từ đó trên nhiều nước Âu châu bắt đầu xuất hiện những ổ khoá tình nhân ở lan can cầu. Ổ khoá tình nhân đầu tiên trên cầu Hohenzollern thành phố Köln của Đức có vào khoảng năm 2008. Đến nay đã lên hơn 100.000 chiếc! Mỗi năm vào ngày lễ tình nhân lại có thêm hàng trăm, hàng ngàn ổ khoá được khoá tại đây với lời hứa hẹn bên nhau mãi mãi!

Bạn bè từ nơi khác đến Köln chơi, tôi thường dắt ghé thăm “chiếc cầu tình nhân”! Có lần người bạn nói với tôi: nếu yêu ai thì mua ổ khoá ra đây khoá lại cho chắc ăn! Ờ...khoá thì dể rồi! Nhưng lỡ đến lúc chia tay...”biết ra sao ngày sao”...ra mà tìm lại để “bẻ khoá” thì chết chắc...Làm sao tìm ra nè trời...còn nói chi đến chuyện xuống sông mò chìa khoá...!!!

Viết ”tào lao” xíu, nhân ngày lễ tình nhân...2020

14.02.2020
TT-Thanh Trước

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2020

BỐN MÙA GỌI NHỚ...

BỐN MÙA GỌI NHỚ...

Ta yêu nhau mùa tuyết
Đông da diết nỗi sầu
Gió ray rức niềm đau

Cây úa màu trơ lối

Ta mong Xuân về tới
Hoa phơi phới nụ tình
Vương chào ánh bình minh
Giọt nguyên trinh đượm thắm

Ta chờ ngày nắng ấm
Men ái đẫm hồn yêu
Thơm hương sắc mỹ miều
Hạ rực chiều phượng vỹ

Ta ru tình Thu ý
Môi ươm vị ngọt ngào
Đêm tràn giấc chiêm bao
Dâng khát khao điệu nhớ

........
Gọi nhau hồn vụn vỡ
Hoà hơi thở nồng say
Gọi nhau tiếng hao gầy
Đông tàn..lây lất...Mộng!

12.02.2020
TT-Thanh Trước


VỚI

VỚI

Với tay...
chạm lấy đời nhau
Vết thương âm ỉ...

nhuộm màu máu tim
Môi khô...
Câu hát...
im lìm
Âm xưa tiếng vọng...
đắm chìm
hư không...!

12.02.2020
TT-Thanh Trước


Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2020

VỀ NGHE

VỀ NGHE

Về nghe nỗi nhớ xót xa
Đọng tràn ký ức âm ba não nề
Đời trôi lạc bến sông mê 

Bờ khuya sóng vỗ ủ ê cuộc trần

Về xoa dịu vết thương thân
Lổ loang từng phiến bao lần đậm ghi
Men say dỗ mộng xuân thì
Tỉnh ra... lỡ giấc...ôm ghì niềm đau

Về mơ câu hát ngọt ngào
Nụ yêu nở muộn...hương trào tim côi
Ru tình trên những phai phôi
Thiên thu một đoá hoa đời hư vô

Về nghe nhịp thở ơ hờ...
Câu kinh sám hối...chực chờ kiếp mai...

09.02.2020
TT-Thanh Trước

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2020

SAIGON...

SAIGON...
(Tiếp theo)


Những ngày tháng ở Saigon với Nó như một cơn mộng! Ban đầu cứ nghĩ là ở tạm một vài hôm...nhưng rồi cứ hết chuyện này đến chuyện kia xảy ra...Chuyến đi bị đình dù tiền bạc đã chung đủ! Tiếp tục ở Saigon, bến Hàm Tử Nó quen dần với nếp sống mới! Ngoài những việc nhà ra Nó còn có thêm một việc nữa là đi “hầu bài”. Hầu bài có nghĩa là chủ nhà đánh bài tứ sắc, Nó đi theo lo mua đồ ăn thức uống!
 
Vào thời buổi đó cuộc sống khó khăn, chợ đen chợ đỏ, bán giấy tờ, móc nối với người có ghe thuyền lấy tiền bán chổ cho người đi vượt biển rất nhiều! Phần lớn phải trả bằng vàng hay dollar vì đồng tiền VN mất giá như cơm bửa! Vàng lúc đó còn thêm vụ vàng lô...có nghĩa là không nguyên chất mà pha thêm chì, đồng! Vàng lô thì rẻ hơn vàng chính hiệu Kim Thành! Người vượt biển thường đem vàng Kim Thành bán ra mua lại vàng lô chung cho chủ ghe, dư ra chút ít tiền phòng thân. Chợ An Đông đầy người buôn bán vàng kiểu này, phía trước là gian hàng cửa tiệm, phiá sau là sòng bài, nơi buôn bán trao đổi lậu. Không hiểu từ lúc nào mỗi khi đi hầu bài Nó có thêm việc làm: liên lạc mối cũng như kiểm xem vàng tốt, vàng lô và coi cả hột xoàn tốt hay xấu cho một số con buôn đó! Không ngờ cái kiến thức mà Nó nghe lóm, học lóm được từ ông nội lại có thể đem ra xài và nhờ đó kiếm được tiền túi! Cũng từ nơi này Nó học thêm được chuyện gì cần phải thấy, chuyện gì không, lời nào nên nói và khi nào tốt nhất là lặng thinh! Ngày qua ngày...Nó như một chiếc bóng...lầm lì, biếng nói!

Lên Saigon mái tóc dài chấm lưng bị cắt ngắn cho giống người Hoa! Cái tên giả trong giấy tờ nghe thiệt là ma mị: Châu Phi Tuý! Nơi Nó ở tạm chung quanh người Việt gốc Hoa rất nhiều, Nó cũng bị lầm tưởng là người Hoa. Lúc đầu đi chợ nghe người ta xổ tiếng Tàu, con nhỏ chỉ còn nước ngẩn mặt ra nhìn và nói tiếng “quốc tế” bằng tay...Nghe riết cũng quen, chỉ vài tháng sau, đi chợ Nó cũng xí xô, xí xào ít câu!

Một ngày như mọi ngày...không có gì khác biệt. Vẫn bao nhiêu việc làm đó, vẫn hy vọng tất cả sẽ êm xuôi để Nó sớm được về bên gia đình ông bà cha mẹ và hai em. Nó khát khao cái không khí gia đình, muốn được ở cạnh mọi người, vui buồn có nhau...Nó nhớ từng người trong gia đình và nhớ nhà nhớ quê, nhớ trường lớp bạn bè. Mỗi ngày nhìn đám con của chủ nhà đi học Nó thèm thuồng xót xa! Nhất là những lúc bọn chúng không hiểu bài, về nhờ Nó chỉ! Nó từng là học sinh ưu tú của trường...nhưng ngày đó đã quá xa rồi...đã thuộc về quá khứ!

08.02.2020
TT-Thanh Trước

Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2020

NHỎ CHỈ CHỜ THÔI !

NHỎ CHỈ CHỜ THÔI !

Thật là bực...
Nhớ gì mà da diết!
Nhỏ giận mình, 

không dám giận anh đâu
Anh chẳng cho,
chỉ tại Nhỏ cứng đầu...
Bảo không nhớ...cớ sao lòng mãi đợi
Quên...chỉ đợi thôi mà...
Đâu thèm nhớ!
Đợi và nhớ...
cách nhau hằng nghìn dặm
Nhớ...rồi quên...
như gió thoảng qua thềm
Trong đợi chờ
còn chất chứa mộng mơ
Cùng thương nhớ in sâu vào tâm khảm
Nhưng...không nhớ...thì lấy đâu chờ đợi!
Anh bảo thế...
Ờ, Nhỏ tin anh nói thật
Nhỏ dặn mình không nhớ...
Chỉ chờ thôi!
Chờ bình minh rạng đỏ cuối chân trời
Chờ nắng ấm xua tan đêm lạnh giá
Chờ anh đến...
vòng tay ôm lấy Nhỏ
Chờ đôi vai vững chắc...
Nhỏ tựa đầu
Và lặng yên...
Nghe nhịp thở ngày qua
Cùng xoa dịu vết thương đời rươm máu...

Nhỏ không nhớ...Nhỏ chỉ chờ và đợi...!

07.02.2020
TT-Thanh Trước

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2020

TIẾNG THỜI GIAN...

TIẾNG THỜI GIAN...

Rồi một ngày...
Bước chân đời mỏi mệt
Con dốc dài 

in dấu vết thời gian
Nắng nhạt phai...
trên từng phím đông tàn
Nghe giá rét
lạnh tràn tim cô lẻ

Rồi một ngày...
Mắt sầu thôi hoen lệ
Giọt u hoài
thôi lặng lẽ thầm rơi
Gió ngừng ru...
Cơn mộng xót xa rời
Hồn lạc lõng
dạt trôi
miền sương khói...

Rồi một ngày...
Thiên thu...hờ hững...Gọi...!

06.02.2020
TT-Thanh Trước

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2020

KHÔNG ĐỀ

KHÔNG ĐỀ

Chạm vào nhau...lổ loang niềm nhớ
Dựa kề nhau...quên ngõ đường trần
Tắm gội đời nhau...trôi sầu khổ

Kỳ cọ hồn nhau...sạch nỗi đau...

04.02.2020
TT-Thanh Trước

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2020

SAIGON

SAIGON

Saigon...với nhiều người Saigon là tất cả...nhưng Saigon với đứa con gái quê miền Tây như Nó chỉ là một thành phố, một địa danh! Trước 75 hè nào chị em nó cũng lên nhà cô Nó ở Saigon cả tháng, để sau đó thì mấy anh chị con của cô Nó theo về quê nghỉ hè!

Trong ký ức của Nó, Saigon là một nơi nhiều xe, đông người và...rất ồn ào mà Nó thì rất ghét ồn ào! Saigon còn nhắc Nó nhớ đến mù
i cồn của phòng mạch và kim chích thuốc của ba Hai Nó khi nó ở đó hơn 3 tháng để trị liệu sau một cơn suyển nặng suýt chết! Trở lại Saigon trong trường hợp đặc biệt: chờ xuống tàu đi vượt biên Nó không còn tâm tình để nghĩ gì hết nhưng cũng vừa đủ để nhận ra cái gọi là phồn hoa đô hội của Saigon đã không còn nữa! Đường phố vắng hơn xưa rất nhiều...không còn được mấy chiếc xe hơi, xe gắn máy cũng ít...thay thế vào đó là xe đạp! Saigon mùa Xuân 1979!

Đến nhà bà con ở tạm, chờ ngày xuống tàu! Ngôi biệt thự 3 từng...ngày trước luôn mát mẻ do máy lạnh điều hoà không khí thì giờ nóng và ngột ngạt khó thở! Nhà xây ít cửa sổ để hơi lạnh không thoát ra nên thiếu ánh sáng! Máy lạnh không được sử dụng vì thiếu điện nên ngộp vô cùng! Nó không thở được...Ra trước cửa nhà ngồi để hít thở chút không khí cũng không được lâu vì sợ bị bắt! Ngủ một đêm ở đó, mẹ Nó ngày hôm sau lên đến thì Nó đã sắp lên cơn suyển! Hấp tấp mẹ Nó liên lạc với bạn và đưa Nó đến nhà người bạn ở bến Hàm Tử ở tạm! May phước nhà đó thoáng và dể thở hơn! Cứ nghĩ là chỉ ở tạm một vài hôm rồi đi...không ngờ Nó ở đó gần nửa năm. Chỉ một mình Nó! Cả gia đình Nó thì tản mác đầu này đầu kia khắp Saigon, Gia Định, Biên Hoà!

Ở đậu nhà người, Nó biết thân biết phận! Nó giúp việc nhà để đổi miếng ăn chốn ở...Bổn phận của nó là sáng sớm đi mua đồ ăn sáng cho cả nhà và đi chợ! Nó được giao cho chiếc xe đạp để chạy tới chạy lui! Từ bến Hàm Tử ra Trần Hưng Đạo, Đồng Khánh mua đồ ăn sáng...có khi chạy ra tới chợ An Đông! Lần đầu tiên Nó tự đi một mình ở Saigon, cũng hơi run...trước giờ có biết đường xá gì đâu! Đi được vài hôm Nó cứ thắc mắc sao con đường nó quẹo vào không ai quẹo mà chỉ có mỗi mình Nó thôi! Về hỏi...ai nấy bật ngửa bảo đường một chiều mà dám quẹo vào à?! Trời đất...! Quê Nó chỉ có vài con đường, tới tên đường Nó còn không biết làm gì biết có chuyện đường một chiều! Những ngày đầu tiên “sống” ở Saigon của Nó là như thế đó...Nó bước chân vào một cuộc sống khác...khác với cuộc sống yên bình nơi miền quê thân yêu của Nó. Saigon...!

03.02.2020
TT-Thanh Trước

Ảnh Internet: Saigon 1979

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2020

CẢM: NHỎ NHỚ...ÍT...

NHỮNG CẢM NHẬN KHI ĐỌC BÀI THƠ HAY CỦA ĐẶNG LÊ THANH TRƯỚC. (TITI DANG)

NHỎ NHỚ...ÍT...

Anh đã bảo
Nhớ ít thôi......

Nhỏ ơi... nhớ ít thôi!

Nhỏ đâu biết thế nào gọi là ít
Cứ thiếu anh...
Hình như gì cũng thiếu
Câu thơ gầy ...
Tiếng nhạc cũng héo hon
Chỉ có đêm là dài như vô tận
Gió lạnh lùa... thêm nỗi nhớ không tên!

Bắt đền đó...
Nhỏ bắt đền anh đó...
Mãi chợt đi... chợt đến...
Để nhỏ chờ
Chờ bình minh...
Chờ nắng lẻn qua song
Một ngày mới thêm nồng hương yêu ái
Nhỏ nhớ anh rồi...
Anh có biết?!

Mà thôi... nhỏ hổng nhỏ anh(ít)

Thanh Trước. 
 --------------------------+-----------------------------

Đọc bài thơ của Thanh Trước, cái hay và gợi mở từ tựa đề của bài thơ "NHỎ NHỚ... ÍT. ".Nhớ là một trạng thái tình cảm của con người .Ai mà không nhớ chứ. Chỉ ít hay nhiều, day dứt hay da diết mà thôi. Nỗi nhớ vừa hiện hữu vừa vô hình trong trái tim nên không thể cân đo đong đếm như vật chất được. Vậy mà nhớ làm con người phải sầu muộn và trong cái sầu nhớ ấy lại mang đến nỗi mong chờ, niềm vui mới lạ chứ. NHỎ là lời gọi trong cach xưng hô của con người. Lệ thường thì "ông -tui","anh -em "...mà anh -em thì nhiều. Xét về mặt tình cảm gia đình và giữa người nhiều tuổi với ít tuổi thì đó là qui luật của cuộc sống. Thường thì anh-em dùng để làm lời gọi của vợ chồng và đôi lứa yêu nhau. Vì lời gọi ấy tha thiết và ân tình lắm.Ở xa nghe rồi muốn quay về để ôm người mình yêu thương vào lòng cho đỡ nhớ.
NHỎ là Titi Dang nhưng không phải cô tự xưng ,đó là cách gọi của người ấy dành cho cô. Mới đầu nghe kì kì rồi quen dần thành thân thương và trìu mến. Sao thế nhỉ? Khi người ta yêu nhau thì muốn dành cho nhau sự khác biệt mang tính lãng mạn. Chỉ có NHỎ của người ấy với biết bao yêu thương, mong chờ và cả sự trân quý vô hạn. Hình ảnh NHỎ là ánh lửa đêm đông, là ánh sao sáng giữa đêm tối mịt mùng, là cánh chim Hải Âu tung bay giữa biển trời xanh ngắt, là tượng trưng cho cái đẹp thanh cao. Cho nên ô giữa phố đông người với muôn sắc aó mà chợt nghe "Chờ NHỎ với! "thì người ấy sửng sốt, tần ngần, lòng hồi hộp biết bao ,gỡ là người yêu gọi mình .Lí trí bảo là không nhưng, con tim yêu thương " mừng rỡ nên mắt cứ ngóng trông và tìm hoài.
NHỎ vậy mà khôn ghê .Nhớ người ta mà không dám nói. Tất cả là tại anh:
"Anh đã bảo
Nhớ ít thôi...
Nhỏ ơi... nhớ ít thôi! "
Nhỏ nhớ in ít chứ không nhớ nhiều. Nếu nói nhớ nhiều sợ người ta cười thì mắc cỡ chết được. Nhưng nhớ bao nhiêu là ít, bao nhiêu là nhiều thì không ai tính được.
"Nhỏ đâu biết thế nào gọi là ít
Cứ thiếu anh...
Hình như gì cũng thiếu
Câu thơ gầy
Tiếng nhạc cũng héo hon
Chỉ có đêm là dài như vô tận
Gió lạnh lùa... thêm nỗi nhớ không tên !"
May mắn thay, nhớ cũng có cung bậc của nó và tùy theo cảm nhận của mỗi người. Nhiều khi nỗi nhớ là tiếng dương cầm ngân lên lúc sâu thẳm, lúc trong trẻo tươi sáng, đầy hương hoa và nắng ấm mùa xuân. Ở đây Thanh Trước dùng từ thật hay như: thiếu, gầy, héo hon và nỗi nhớ không tên. Thiếu không phải là không có mà chưa đủ. Trong phạm trù tình cảm thì cái thiếu mà Titi Dang nói trở thành vô lượng. "Cứ thiếu anh... "như bờ thiếu con sóng hiền hòa, vỗ về hôn lên bờ cát trắng; như Xuân thiếu ngày đông để ươm mầm nảy lộc. Cái thưở "hương nồng yêu ái " giờ chỉ còn là dư âm, dư vị ngọt ngào trong nỗi nhớ mà thôi. Câu thơ trở nên gầy guộc, âm thanh tiếng nhạc NHỎ đàn cho người ta nghe giờ cũng héo hon. Đêm tưởng như dài vô tận mà nỗi nhớ từng phút giây lớn hơn bủa vây. Cái "nỗi nhớ không tên "ấy biết làm sao mà thổ lộ với người. Các từ ngữ nói trên tạo thành một chuỗi liên kết ,đẩy nỗi nhớ mong của Titi Dang dâng cao nhưng lại vẽ lên bức tranh cô gái đẹp trong đêm vắng chờ mong. Rất tuyệt phải không các bạn?
" Bắt đền đó...
Bắt đền anh đó...
...
Mà thôi...nhỏ hổng nhớ anh(ít) "
Đọc đến đây, tôi không biết Thanh Trước là thiếu nữ hay phụ nữ nữa. Các cụm từ "Bắt đền đó ,nhỏ hổng nhớ " cho ta thấy sự hờn giận như muốn khóc, pha chút nũng nịu. Vừa hồn nhiên, ngây ngô mà đáng yêu đến ngập lòng .Giận rồi Sao? Ừ giận rồi! Ai bảo anh chợt đi rồi chợt đến làm chi chứ. Mượn cái hờn dỗi đầy ngây ngô mà nói ra "Nhỏ nhớ anh rồi... " quả là tài hoa.
Tôi khe khẽ mở cửa bước ra thềm, ngồi cạnh chậu hoa cúc vàng. Trời đang Xuân nên đêm về gió lành lạnh. Xung quanh tôi là những đóa hoa đủ màu khoe sắc. Chính sắc hương hoa như làm lòng người trẻ lại nhưng tâm hồn tôi thì không thể trở lại tuổi thanh xuân dù chỉ trong dăm ba phút. Vì vậy ,tôi ngưỡng mộ Thanh Trước vô cùng. Một ý nghĩ chợt đến rồi cảm xúc dâng trào và bằng một tâm hồn thi nhân, cô để hồn mình về với hồn nhiên và trong sáng như trăng rằm. Có như vậy, lời thơ mộc mạc mà đi vào lòng người một cách tự nhiên. Cô viết cho mình nhưng trở thành chung cho nhiều người. Hay là ở đấy.
Thể thơ tự do không phải là sở trường và phong cách viết của Thanh Trước. Vậy mà mỗi lần sáng tác ở thể thơ này cô đã đem lại điều mới lạ làm ngạc nhiên các bạn thơ. Cách sử dụng dấu ba chấm (...) làm bài thơ đầy cảm xúc. Cảm xúc dâng trào như lớp sóng sau xô lớp sóng trước đưa người đọc quay về tuổi xuân xanh đầy mơ mộng. "Anh có biết?! " được TitiDang sử dụng dấu rất tuyệt vời. Câu hỏi phải dùng dấu hỏi là chuyện đương nhiên nhưng đi liền dấu cảm thì tài thật, nhằm biểu đạt nỗi mong đợi. Hỏi chỉ giả vờ hỏi chứ Nhỏ biết người ấy cũng nhớ Nhỏ lắm thương vô cùng. "Mà thôi... "không phải bỏ đi là lời yêu trong hờn dỗi nên dấu... như nhờ thời gian níu kéo lòng cô để hờn trách, để yêu thương ."Nhỏ hổng nhớ "Thật không? "Con gái nói không là có, nói có là không ấy mà .Thôi thì đền vậy...Lời thơ sao dễ thương đến thế!
Cảm xúc bài thơ cứ lắng đọng trong tôi. Tôi mơ màng một Thanh Trước thanh xuân, trong sáng hiền hòa và chút tinh nghịch.Không còn cách nào khác là bắt chước Thanh Trước :"Chúc NHỎ luôn an lành , xinh đẹp và có nhiều bài thơ hay ".
Chau Doan

Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2020

CHÙNG...

CHÙNG...

Không gian chùng nỗi nhớ
Mưa...tí tách buồn tênh
Giọt đàn rơi phím nhỏ

Đời...nhịp bước chênh vênh

Đông ru hồn lạnh giá
Tim...xơ xác hao gầy
Môi...khát bờ môi lạ
Hương nồng yêu ngất ngây

...
Không gian chùng nỗi nhớ
Ta...cạn chén men cay...
Khói thuốc hoà hơi thở
Tình...theo gió sương...Bay...!

01.02.2020
TT-Thanh Trước