Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

VỀ ĐÂU

VỀ ĐÂU

Chiều rơi...
Cánh nhạn sầu
Mưa đời đẫm giọt ngâu

Hồn hoang chừ lạc lối
Về đâu...
Biết về đâu...?!

30.06.2020
TT-Thanh Trước


Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

LẠC RƠI

LẠC RƠI

Chiều rơi...
Nắng tắt
Hạ tàn

Bơ vơ cánh nhạn
Miên man cõi sầu

Tình rơi...
Đắm cuộc bể dâu
Biển đời vô định
Về đâu
Gót trần

Mộng rơi...
Cơn mộng phù vân
Chập chờn đêm vắng
Xót lần hư không

Ta rơi
Lạc bến xuôi dòng
Bờ xa sóng cuộn...nghe mênh mông về

Đàn ai trổi khúc tỉnh...mê....!

29.06.2020
TT-Thanh Trước

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020

XE ĐẠP ƠI...

XE ĐẠP ƠI...

Xe đạp thì chắc ai cũng biết chạy, nhất là ở quê hương tôi, lớn bé gì cũng có một thời đi xe đạp. Với chiếc xe đạp tôi có rất nhiều kỷ niệm...nhớ đời. Thời đó làm gì có xe đạp thêm bánh nhỏ cho con nít tập đạp. Cứ tập bằng xe của người lớn. Nhà nào có điều kiện thì mua cho con chiếc xe đạp nhỏ để tập chạy. Tôi may mắn, được ông nội mua cho chiếc xe nhỏ tập chạy.

Nhà tôi ở một xóm n...
hỏ, nằm cạnh chiếc cầu Nhiêu Xướng, bắt ngang con lạch cùng tên. Một nơi vô cùng thuận tiện cho việc tập chạy xe đạp. Con nít trong xóm cứ dắt xe lên cầu, leo lên ngồi rồi thả xuống dốc, đạp, bẻ lái...vài ba lần là xong. Đường vắng xe nên cũng chẳng có gì nguy hiểm. Lúc đầu ông nội còn vịn cho lên xe và giữ thăng bằng giúp tôi. Sau vì ham, muốn biết lẹ, tôi lôi xe lên đầu cầu, thả dốc xuống, đạp như bọn nhỏ trong xóm. Xóm tôi nằm bên bờ Sa Giang...nhà cửa cả hai bên đường. Thả từ dốc cầu xuống, đạp xe, bẻ lái...dễ ợt. Thế nhưng hình như tôi rất có duyên với tất cả những động từ như té, ngã, trợt...Thả xuống được vài lần, quen quen...nên hăng máu, đạp vù vù...Đường đá lổm chổm...mưa xuống một trận thì ổ gà lớn bé mọc đầy. Trợt bánh xe vào ổ gà, tay lái chưa vững, giữ thăng bằng không xong...lạng quạng sắp té. Thôi...té thì té...không đâu, ráng bẻ lái gượng lại lách ổ gà, chạy tiếp...và đâm xe vào nhà hàng xóm nằm bên đường. Ôi thôi...Người ta để đồ trước cửa nhà bán, bị con nhỏ té vào...văng tứ tung. Tét đầu gối, chảy máu...nhưng không sợ đau...sợ bị mắng vốn nhiều hơn. Cũng may gia đình tôi rất được lòng người trong xóm nên thay vì la mắng, ai cũng xúm xít lại coi con nhỏ có bị gì không. Hôm đó ông nội tôi phải đền đồ đạc và cả tấm vách lá bị tôi tông hư cho người ta...

Lên trung học, đạp xe đi học. Từ nhà đến trường cũng mất 4-5 cây số, phải qua cầu sắt bắc ngang sông Sa Giang, dốc khá cao. Cả hai bên đầu cầu, cuối con dốc là bùng binh. Hổng biết ai bất nhơn...trải sỏi nhỏ nhỏ quanh bùng binh, xe xuống dốc nhanh, đánh vòng qua, trợt bánh ngã là chuyện thường. Xe tôi vì cứ ngã lên ngã xuống nhiều lần, tay thắng bị gãy, thay hoài...ghét, không thay, để vậy luôn. Thời đó tôi chỉ có một đứa bạn gái, chơi với con trai nhiều hơn...khỏi phải giận hờn, phiền phức. Một hôm, không biết có phải vì trời nóng quá bọn chúng nổi cơn, nên chặn đường tôi ở bùng binh dưới dốc cầu. Từ trên dốc đạp xuống, thấy bọn con trai giăng xe hàng ngang không cho tôi qua...Ui trời...lách không kịp, thắng không có, chỉ còn nước...la làng: “Tránh ra, xe không thắng!” Tưởng tôi đùa, không ai tránh...thế là tôi tông thẳng vào hàng rào xe đạp của bọn chúng. Cặp sách văng tứ tung...trầy da, tróc vẩy...Đã vậy còn bị bọn nó nói là con điên, sao không né...! Hic...Né được thì né rồi mấy ông ơi.

Đâu phải chỉ có hai lần đó rồi thôi...Nếu viết về xe đạp và tôi, chắc không biết bao giờ mới xong. Nhiều khi thấy mấy anh chị lớn hơn một, hai lớp chở nhau đi học bằng xe đạp...anh ân cần, chị dịu dàng khép nép ngồi phía sau...phát ham! Nghe bài “Xe đạp ơi” của vợ chồng Phương Thảo - Ngọc Lễ...cũng thơ mộng biết chừng nào. Nghĩ lại sao mình chả có kỷ niệm nào như thế...toàn là té, ngã...không thôi. Kệ...tự an ủi mình...kỷ niệm là kỷ niệm, có ai giống ai đâu mà đòi kỷ niệm giống chứ.

Sang đây...tôi cũng có chiếc xe đạp, do người bạn lượm đồ cũ ráp cho tôi. Nó cũng chiến đấu với tôi cả 5-6 năm trời, trước khi được hưu trí vĩnh viễn. Bọn nhỏ bây giờ thì khác rồi. Tập từ xe ba bánh, rồi mới đến hai bánh. Lớp 3 tiểu học phải học luật lệ giao thông và lấy bằng lái xe đạp...đâu như mẹ nó...đạp xe vào đường một chiều mà còn hổng biết...Đúng là...Xe đạp ơi!

26.06.2020
TT-Thanh Trước

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2020

CÔ QUẠNH

CÔ QUẠNH

Đêm trở giấc...
tiếng mưa sầu hiu hắt
Gió ru hờn 

tim nhỏ
quắt quay đau
Người khuất xa
nghe nỗi nhớ dâng trào
Hồn cô quạnh...
lao đao
triền suối mộng...

24.06.2020
TT-Thanh Trước

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2020

TIẾNG CƯỜI TRẺ THƠ

TIẾNG CƯỜI TRẺ THƠ

Hổm rày trong làng Nhã xôn xao với vụ Tết Trung Thu. Mọi người lo làm lồng đèn vui ghê. Nó cũng được cho ké làm đèn kéo quân.
Đã từ lâu, từ ngày Nó bỏ cái xóm nhỏ thân thương của Nó mà đi bụi thì Nó đã không biết Tết Trung Thu là gì nữa. Nơi Nó đang sinh sống không có Tết Trung Thu, nhưng trẻ con nơi đây cũng biết làm lồng đèn và đi rước đèn, chỉ là vào ngày khác và ý nghĩa c
ũng hoàn toàn khác.

Tương truyền Martin von Tours (317-397) là con của một quý tộc La Mã và được mọi người ca tụng về tấm lòng hào hiệp của ông. Vào một buổi sáng tháng hai, ông cùng người tuỳ tùng cưỡi ngựa trở về sau một chuyến chơi đêm. Trời đang bão tuyết, gió lạnh cắt da. Trước cổng thành một người ăn mày rách rưới đứng xin bố thí. Hai hàm răng rung lập cập miệng không thốt thành tiếng vì đói rét. Khách qua lại không ai dừng chân hay liếc mắt đến anh ta. Martin trông thấy nhưng số tiền mang theo mình đã phân phối hết cho những nông dân nghèo, giúp họ trả thuế. Không còn gì có thể cho, Martin rút gươm, cắt chiếc áo bào đỏ quý giá đang mặc trên người làm hai và chia cho kẻ ăn mày một nửa, đắp cho đỡ lạnh. Suốt cuộc đời Martin von Tours luôn giúp đỡ người nghèo khó. Với họ, ông là tia sáng, là nguồn hy vọng. Sau khi mất đi ông được tôn làm Thánh.

Tại Đức và Áo hằng năm vào ngày giỗ của ông (11.11) tích trên thường được diễn lại ở các trường mẫu giáo hay tiểu học, vừa để tưởng niệm một người nhân đức, khiêm nhường, vừa dạy dỗ trẻ em nên noi gương giúp đỡ kẻ khác.

Chuẩn bị cho ngày này, trẻ em ở các trường, các lớp với sự giúp đở của phụ huynh và thầy cô cùng nhau làm lồng đèn. Cũng đủ hình đủ loại, dù cách làm và dụng cụ có khác các nước Á châu chút ít. Không có tre, lồng đèn được làm bằng giấy bóng màu và giấy carton cứng. Nó học được cách làm lồng đèn bằng bong bóng và giấy bóng...rất lạ, rất hay. Thổi bong bóng lên, cột lại xong gắn hay để lên vật gì đó và bắt đầu trang trí. Giấy bóng đủ màu được cắt ra thành từng mảnh nhỏ. Quét hồ lên bong bóng, trong lúc hồ còn ướt thì đắp những mảnh giấy màu lên đó...kín hết quả bóng, chỉ chừa một vòng nhỏ chung quanh chuôi bóng. Ít nhất là hai lớp hồ và giấy. Sau đó để quả bóng đã được đắp giấy yên một, hai ngày cho khô hồ. Dùng kim châm ở chuôi bóng, xì hơi từ từ và lấy bóng ra khỏi vỏ giấy ngoài. Xỏ hai lổ vào vỏ giấy, cột dây kẽm để treo đèn lên cây cầm...thế là xong.

Đến ngày lễ St. Martin, trẻ con nôn nao cầm đèn tụ họp ở sân trường. Người đóng vai St. Martin cưỡi ngựa dẫn đường, các em cầm đèn đi cùng phụ huynh và thầy cô theo sau, vừa đi vừa hát những bài về lồng đèn, hay về St. Martin. Phong tục cầm đèn đi khắp xóm, ghé từng nhà này ý muốn đem ánh sáng, hy vọng, niềm vui đến cho mọi người. Dạo xóm xong cả đoàn trở về lại sân trường, nhóm lửa lên và diễn lại điển tích rút gươm xẻ áo. Sau đó mọi người cùng nhau ăn bánh, uống nước chút ít, trẻ em được phát túi quà nho nhỏ, thường là bánh kẹo và trái cây. Tiếng cười vui rộn rã giữa trời đêm lạnh giá!

Hoàn cảnh, phong tục, cuộc sống mỗi nơi mỗi khác, chỉ có tiếng cười trẻ thơ luôn giống nhau. Đêm Trung Thu hay St. Martin gì cũng thế, Nó luôn cầu mong cho thế giới tràn đầy tiếng cười trẻ thơ và bớt đi những mảnh đời bé bỏng khốn cùng.

22.06.2020
TT-Thanh Trước

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2020

TRỐNG VẮNG

TRỐNG VẮNG

Lặng nghe nỗi nhớ oà tim nhỏ
Vương vấn u hoài buổi hoàng hôn
Lưa thưa sợi nắng...chiều vụn vỡ

Trống vắng tay khờ...khát vòng ôm

Gió đưa ngọn gió lùa song lạ
Buốt lạnh vai gầy một bóng ta
Mưa đêm trĩu hạt sầu băng giá
Gót lẻ khua hờn dỗ mộng xa

Sương khuya đọng ướt mềm nhánh cỏ
Giọt thấm chân trần giữa lối hoang
Cô đơn lạc bước đời bỡ ngỡ
Hạ vẫn chưa về...thoáng Đông sang!

20.06.2020
TT-Thanh Trước

LẶNG

LẶNG

Ngày vụn vỡ...
hoàng hôn gầy lối nhỏ
Câu thơ sầu 

lạc lõng
xót xa...rơi
Vương khoé mắt...
ánh chiều xưa lặng nhớ
Giọt lệ đời
chất chứa...nỗi đầy vơi.

20.06.2020
TT-Thanh Trước

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2020

THỔN THỨC...

THỔN THỨC...

Chiều cô tịch...
Nắng vàng chừ hấp hối
Từng sợi buồn

vô tội
hững hờ rơi
Gió ngu ngơ
ru giấc ngủ bồi hồi
Đêm nhẹ gót...
Mộng khơi niềm ký ức

Cơn mưa Hạ
chợt giật mình thổn thức
Giọt trĩu sầu
rưng rức
gọi hồn hoang
Nụ yêu xưa
nay héo úa võ vàng
Nằm gục chết...
lổ loang màu rệu rã

Khuya...
cúi mặt...
nghe đời qua vội vã...!

18.06.2020
TT-Thanh Trước

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2020

MÃ MẠNH KHỞI

MÃ MẠNH KHỞI

Bạch giáp, ngân thương, rửa hận nhà
Binh hùng tướng mạnh quyết không tha
A Man khiếp vía...râu, bào bỏ

Mạnh Khởi dương oai...giáo, tiễn rà
Rạng tiếng Tây Lương người tuấn kiệt
Vang tài Ngũ Hổ đấng hào hoa
Đem thân Hán Thục phò minh Chúa
Mặt ngọc danh truyền “Cẩm Mã Siêu”

14.06.2020
TT-Thanh Trước

TRƯƠNG DỰC ĐỨC

TRƯƠNG DỰC ĐỨC

Đào viên bái thệ rõ cao bày
Nghiệp cả vun bồi thỏa chí trai
Trường Bản ra oai rền tiếng sấm 

Hầu Công vỡ mật trợn mày ngài
Dùng mưu Ngoã Khẩu thu thành lũy
Lập kế Tây Xuyên phục tướng tài
Dực Đức đầu rơi, Lưu Đế hận
Mâu rời Trác Quận ngã hồn say.

14.06.2020
TT-Thanh Trước

HOÀNG HÁN THĂNG

HOÀNG HÁN THĂNG

Lão tướng Hoàng Trung tóc bạc ngời
Gươm hoành tiễn lực sức nào vơi
Tiên phong dũng mãnh quân thần phục

Đảm lược hùng tài sĩ tốt noi
Chém giặc Hầu Uyên tàn mạng số
Đoạt sơn Thiên Đản tỏ oai trời
Nam Dương hậu thế ngàn năm tụng
Bảy chục niên ngoài vẫn chịu chơi.

14.06.2020
TT-Thanh Trước

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2020

QUẠNH

QUẠNH

Sương khuya...
Mờ lối
Thềm hoang phủ

Nửa mảnh trăng rơi
lạnh cô phòng
Đàn ai
nức nỡ...
Cung trầm rũ
Lạc giấc mơ yêu...
Lệ ngấn tròng...!

13.06.2020
TT-Thanh Trước

TRIỆU TỬ LONG

TRIỆU TỬ LONG

Ngũ hổ vang danh bạch giáp, bào
Quân thần vẹn nghĩa tấm gương cao
Thường Sơn Triệu thị anh hùng náo

Trường Bản Đương Dương dũng khí trào
Đột phá, thương thần phò Á Đẩu
Liều mình, chiến mã bảo Long nhao
Oai phong vũ lược bao người kính
Máu đỏ hòa chan...khiếp giặc Tào!

13.06.2020
TT-Thanh Trước

QUAN VÂN TRƯỜNG

QUAN VÂN TRƯỜNG

Vườn đào kết nghĩa kiến Lưu, Trương
Xích thố, Thanh Long tự tánh Trường
Trảm tướng công thành phò nhị Tẩu

Băng hào phá ải báo quân Vương
Kinh Châu thất thủ anh hùng tận
Thục Đế thương tâm mộng mị tường
Hiển thánh Quan Công bày miếu tượng
Ngàn đời sử sách tạc trung lương.

13.06.2020
TT-Thanh Trước

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020

GIỌT CẠN

GIỌT CẠN

***

Men cay như chất xúc tác gợi lên cảm hứng cho thi nhân, có khi chỉ làm nền mô tả cảm giác phẫn uất xung thiên! Nhưng cũng có loại men ẩn tàng trong chất tứ, đọc rồi cứ lâng lâng như vừa nốc cạn tửu hồ… Men say tột cùng hiện hữu, truyền cảm nhận đến người thưởng thức như chính ta đang uống, chia sẻ cùng thơ như hòa làm một.
Không phải thi sĩ tài hoa Vũ Hoàng Chương đã từng thốt:
“Em ơi! Lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai?...”
Nhưng có một chất rượu lưu ly không bằng men say, lại được ủ kĩ trong sắc tứ thời gian lịm chết con tim. Tác giả Titi Dang đã làm nên điều này qua thi tác:
KÝ ỨC
Nghiêng ly...
cạn giọt Xuân thì
Đông...
vương ký ức
bờ mi đọng sầu
Hạ...
vàng úa nỗi niềm đau
Rụng từng sợi nhớ...
nhạt nhàu...
Thu trôi...!
22.02.2020
TT-Thanh Trước
Xuân Thì vốn quý báu như ngọc. Ai cũng từng ngồi tiếc nuối một thời Xuân sắc hao gầy qua tháng năm! Thế nhưng dòng rượu sóng sánh như mật ngọt có khi chứa nỗi đau thời đã đánh mất, rồi mọi cái hóa thành chất men cay thấm đẫm buồn trôi qua cổ. Ly nghiêng, tất rượu sẽ sóng sánh màu – Màu của ký ức buồn nhiều hơn vui. Nếu nói vui, ai cũng muốn tìm đến sự chia sẻ thay vì ngồi nốc cạn từng giọt say với thời gian… Nghiêng ly uống, nhưng mắt liếc vào đáy, nhìn từng dòng rượu chảy ngược vào miệng, tận hưởng cả chất lẫn lượng từ từ thực hiện chuyến đi chôn sâu nỗi đau trong quá khứ! Cảm giác tuyệt sầu này, thử hỏi mấy ai từng một lần thực chứng trong cõi cô độc!?
Rượu cạn, giọt sẽ tạo ra trên đáy cốc… Vài hạt từ từ lăn xuống trả lại không gian trống vắng. Cách cạn giọt từ tác giả Titi Dang tạo lên hình ảnh tập trung vào ly rượu nhiều hơn người thưởng thức chất men. Câu đầu của Ký Ức sống động lạ thường bởi sự quan sát từ người uống đối chiếu với hình tượng giọt rượu lăn nhẹ, trôi tuột vào miệng một cách lạnh lùng xa vắng… Nghiêng ly cạn giọt Xuân thì!
Vương mang, luôn luôn rối bời với nỗi buồn thay vì buông bỏ! Lý luận nhà Phật cho rằng biết buông bỏ mới có thể tìm đến An Lạc. Nhưng thật ra Biết chưa đủ!? Buông bỏ Được mới là cảnh giới thấu triệt Vô Thường. Thử hỏi, về lý luận là vậy, nhân sinh mấy ai Buông Bỏ Được? Nếu thật sự đắc ngộ chân lý dễ dàng như thế thì nhà chùa không mọc lên! Cuộc sống không rối bời… Và những vần thơ buốt lòng không còn cơ hội để sinh ra…
“Vương vương” có nghĩa vướng mắc, dính vào, là một động từ kết hợp nghĩa với tính từ “mang mang” bằng mênh mông, mịt mù, cho ra từ ghép Vương Mang. Một khi đã vướng vào ký ức mịt mù trong cô đơn sẽ cho ra cảm giác lạnh lẽo khi xung quanh không lấy ai bầu bạn. “Cái ác” của tác giả Titi Dang đã sắp xếp ngữ cảnh rơi vào mùa Đông trong hoàn cảnh bản thân đang run lên vì lạnh – cảm nhận từ nỗi cô đơn. Thế là buồn và cực lạnh đã khiến cho lệ đọng long lanh mi. “Đọng” ở đây không phải chảy thành dòng mà chỉ ứa ra trong cố kiềm chế nhưng… bất thành! Ngữ cảnh chợt hiện sáng tâm ý cần thể hiện: “Đông... vương ký ức, bờ mi đọng sầu…”
Trong nắng Hạ mưa buồn bất chợt. Tâm trạng con người với bao khắc khoải cũng biến thiên theo thời tiết. Nắng vàng của Hạ óng ánh nhưng chỉ trong chốc lát mây đen phủ mù, cơn mưa có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Mùa Hạ mang cả một ký ức đẹp nhất tuổi ấu thơ thời áo trắng, chia tay một niên học. Bao kỷ niệm cũng bắt đầu từ đây với ba tháng hè rong ruổi vui chơi với bè bạn trang lứa…
Mùa Hạ của Titi Dang úa nhàu những ký ức, ẩn sâu bao nỗi buồn – Niềm nhớ chỉ để nhớ, không phương vãn hồi. “Hạ… vàng úa nỗi niềm đau”, như ban cho nét buồn một linh hồn, và niềm đau còn vương sự sống ấy đang thoi thóp từng nhịp trong nắng Hạ cuối cùng…
Ẩn sâu trong nỗi buồn được cân đo đong đếm trên từng sợi tóc bạc màu thời gian. Từng sợi, từng rợi rụng… Từng ngày, từng ngày trôi… Chứng kiến sự thay đổi hiện thực nhưng ký ức còn mãi lưu dấu. Câu cuối Ký Ức như dòng chảy qui luật quá khứ, có dùng dao cắt đoạn như nhà thơ Lý Bạch nói: Trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu (Rút dao cắt nước, nước càng chảy)… Nỗi sầu là còn mãi… “Rụng từng sợi nhớ nhạt nhàu Thu trôi…!”
Trong tứ thời Xuân, Hạ, Thu, Đông, tác giả Titi Dang sử dụng cách đối chiếu phá vỡ trật tự đầy ẩn ý. Thay vì theo trình tự Xuân đối với Hạ, trong bốn câu Ký Ức mùa Xuân đầy sức sống lại bị đẩy vào thế đối đầu với Đông lạnh lẽo. Từ đó đẩy Ký Ức vào nét Bi, thể hiện tâm trạng tác giả, và người đọc bị kéo vào ngữ cảnh thê lương khi thưởng thức toàn bài.
Bốn mùa trong Ký Ức hầu hết thể hiện ở cuối mỗi thời. Trong lý luận ngũ hành bao gồm: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ; khi ứng vào tứ thời gian: Mộc thuộc Xuân, Hỏa thuộc Hạ, Kim thuộc Thu, Thủy thuộc Đông. Vậy còn hành Thổ ở nơi nào? Tiết khí và âm dương cổ lịch quy định cách gọi 3 tháng trong mỗi mùa là: Mạnh = đầu, Trọng = giữa, Quý = cuối. Mỗi mùa có 3 tháng, vậy Quý của mỗi mùa thuộc hành Thổ (tháng cuối). Ứng việc này vào thi tác cho thấy hầu như qua 4 câu thơ, tác giả Titi Dang luôn chọn hành Thổ trong tứ thời để thể hiện. Hành Thổ lại là trung hòa trong ngũ hành, bởi Thổ chứa đựng 4 hành còn lại… Gom tất cả ngũ hành, tác giả Titi Dang đã cho ra một Ký Ức thật buồn, thật khó tả xiết…!
Ký Ức ai cũng có, nhưng… Ký Ức của Titi Dang đang ban phát hào sảng cho nhiều bạn đọc khắp nơi thưởng thức. Tin rằng còn nhiều thi tác sẽ sớm ra mắt phục vụ cho khách yêu thơ, bởi một nữ nhân say thơ nhiều hơn bất cứ thứ gì hiện hữu trên cõi tục trần…
Chúng ta hãy cùng nhau:
“NGHIÊNG LY CẠN GIỌT XUÂN THÌ..."

VL – 12.6.2020
MacDung

HOANG LIÊU

HOANG LIÊU

Đếm từng...
sợi nắng hanh hao
Lổ loang thềm úa 

nhạt màu ái yêu
Chiều rơi...
đọng xót xa chiều
Lặng ru nỗi nhớ...
hoang liêu bóng đời.

12.06.2020
TT-Thanh Trước

Thứ Ba, 9 tháng 6, 2020

MƯA KHUYA

MƯA KHUYA

MƯA lả chả ru đời hiu quạnh
KHUYA lạnh về rét mảnh tình đơn
TỪNG cơn gió rít dỗi hờn

GIỌT rơi tí tách chập chờn giấc thưa

ĐỌNG lại những âm đưa vụn vỡ
VÂY trong ta nỗi nhớ ngập tràn
VẦN yêu lạc lối...mơ tan
THƠ lời tức tưởi ngút ngàn niềm đau

SẦU lệ ứa phai màu hương phấn
MUỘN màng đêm sao vẫn còn chờ
RÓT men nồng ướp môi khô
ĐẦY chung cay đắng...vật vờ tim yêu

HỒN hoang phế liêu xiêu cõi trống
CÔI cút tìm lối mộng ngất ngây
MƯA KHUYA TỪNG GIỌT ĐỌNG VÂY
VẦN THƠ SẦU MUỘN RÓT ĐẦY HỒN CÔI...

09.06.2020
TT-Thanh Trước

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

ĐOẠN

ĐOẠN

Ta ngồi đọc lại những dòng thơ
Một thuở tri giao đã xoá mờ
Ái nghĩa buông xuôi tàn mộng ước 

Ân tình dứt bỏ úa trời mơ
Rơi vần lục bát câu hờ hững
Lỗi nhịp Đường thi chữ thẩn thờ
Trần thế ly cay...sầu nốc cạn
Vô thường...cát bụi...đoạn duyên tơ.

07.06.2020
TT-Thanh Trước

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2020

MƯA HẠ

MƯA HẠ

Mưa sầu gót hạ
Lạnh giá triền yêu
Bâng khuâng chiều vấn vương chiều

Đường xưa lạc dấu...cô liêu ngõ hồn

Mưa luồn gác nhỏ
Nỗi nhớ chợt về
Ru đời một giấc tỉnh...mê
Ru ta một kiếp...lê thê phận người...

06.06.2020
TT-Thanh Trước

SAY

SAY

Ta...cạn chung rượu nhạt
Men đời thấm hồn đau
Gót chân trần phiêu bạt 

Ta...lạc miền không nhau

Ta...nhìn ta đáy cốc
Hư hao bóng xuân thì
Giọt lệ khô...lăn lốc
Cười...rung tiếng ai bi

Ta...rót tràn chén đắng
Say sưa cạn vô thường
Đêm hoang tàn trống vắng
Ta...khát lời yêu thương

Ta...đập tan nỗi nhớ
Xé toạc mảnh trăng hờn
Chôn vùi cơn mộng lỡ
Câu khóc cười...ta say...!

06.06.2020
TT-Thanh Trước

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2020

MƯA THÁNG SÁU

MƯA THÁNG SÁU

Mưa tháng sáu...
Giọt sầu rơi thổn thức
Xót xa tràn miền ký ức...đầy vơi 

Dấu yêu xưa...khung kỷ niệm xanh ngời
Đêm lạc lõng dậy khơi ngàn nỗi nhớ

Trong hoang lặng...
Gió khuya chừng than thở
Giọt lệ đời bỡ ngỡ đọng bờ mi
Sót trong tim bao mộng ước xuân thì
Cơn giông bão xoá đi niềm hoài vọng

Mưa thấm ướt...
Mảnh hồn côi lạnh cóng
Mãi thẩn thờ ôm chiếc bóng thời gian
Chút hương yêu cùng năm tháng phai tàn
Nghe rét mướt lổ loang...
Trời tháng sáu…

Mưa...tí tách...
Tiếng mưa đêm ảo não!

05.06.2020
TT-Thanh Trước

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2020

CỐ...

CỐ...

Ta cố vá...
Niềm tin chừ rách nát
Những mảnh tình rời rạc đổ ven đường

Con tim khờ...khao khát gọi yêu thương
Khô giọt máu...thấm hường câu sám hối

Ta cố vá...
Chút hương đời cằn cỗi
Lạc âm vần...thơ lỗi nhịp ngu ngơ
Trắc Bằng thôi không vương vấn đợi chờ
Hồn hoang phế...bơ vơ...dần tắt lịm

Ta cố vá...
Dư âm cùng hoài niệm...!

04.06.2020
TT-Thanh Trước

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2020

BỎ ĐI...

CHIẾC ÁO PHONG SƯƠNG TÌNH ÁI NẶNG
NGHĨA ÂN TRÒN...! “SÁT PHẠT” ANH CHI...?!

BỎ ĐI...


CHIẾC giày lạc lõng vất đường đi
ÁO, súng...tay buông...tủi hận ghì
PHONG tảo hồn đau tàn cuộc chiến
SƯƠNG giăng lệ nhỏ uá xuân thì
TÌNH sông nợ núi thân đền trả
ÁI nước yêu nhà dạ khắc ghi
NẶNG bước lòng vương trời kỷ niệm
NGHĨA ÂN TRÒN...! “SÁT PHẠT” ANH CHI...?!

02.06.2020
TT-Thanh Trước