Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2020

KARNEVAL

KARNEVAL - MÙA THỨ NĂM

Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông...rồi đến “mùa thứ Năm”. Có rất nhiều tên gọi cho khoảng thời gian giữa hai mùa Đông-Xuân này: Karneval, Fasching, Fastnacht hay Fasnet tuỳ theo mỗi địa phương. Như tên gọi...mỗi vùng có những phong tục khác nhau cho lễ hội này: vui chơi đường phố, tụ họp quán xá với những câu chuyện trào phúng, mỉa mai cuộc sống hay dạ hội hoá trang, nhảy múa, ca hát….

Phong tục cho mùa này bắt đầu từ đâu và có ý nghĩa gì?

Theo Công giáo, Thiên Chúa giáo những cuộc ăn chơi điên dại này phát sinh khoảng hơn 1200 năm trước đây. Vào những ngày trước mùa chay, trước khi dùng thời gian tĩnh lặng, suy ngẫm, chuẩn bị đón mừng lễ Phục sinh trọng đại...mọi người lao đầu ăn uống, hát ca, nhảy múa...hết mình, hết sức...như không còn có cơ hội để thực hiện!
Karneval theo đúng nghĩa tiếng Latin là “carne vale” : carne = thịt, vale = từ giã. Karneval chấm dứt vào ngày thứ tư lễ tro, cũng là ngày bắt đầu cho mùa chay. Thời xưa trong 40 ngày mùa chay người ta không ăn thịt, ngay cả trứng hay những thực phẩm được làm bằng sữa cũng không. Ngày nay chỉ còn hai ngày: thứ tư lễ tro và thứ sáu tuần thánh là bắt buộc phải kiêng thịt mà thôi! Người ta có thể kiêng chay trong 40 ngày này bằng cách khác, chẳng hạn từ bỏ một thói quen, một sở thích, một vật dụng, một thức ăn...Cuộc sống hiện tại có quá nhiều thứ cám dỗ, nhiều thứ mà người cố công ôm giữ không muốn rời. Tôi có người bạn...nếu bảo anh ta 40 ngày không xem Tivi thì với anh, đó không còn là kiêng chay nữa mà là nhịn đói!


Bên cạnh thuyết này còn có thuyết xưa hơn nữa! Trước công nguyên rất lâu ở những vùng Germanen (vùng nói tiếng Đức) vào cuối mùa Đông một số người hoá trang thành quỷ, yêu...trong cuộc lễ...Đến lúc cao điểm lễ hội, dân làng cùng nhau dùng chiêng trống đánh đuổi ma quỷ ra khỏi làng, sau đó đàn hát nhảy múa gọi thần thánh mùa Xuân đến chúc phúc cho thiên nhiên, mùa màng và mọi người.

Trải qua nhiều thế kỷ...lễ hội Karneval, Fasching cũng có nhiều biến đổi.

Một nhân vật không thể thiếu được trong lễ hội này là “người pha trò”, “tên hề” (der Narr) và những chiếc mặt nạ của hắn.
Thời xưa trong dịp này người pha trò mang những chiếc mặt nạ biểu hiện cho 7 tội trọng, tội chết. Trong công giáo 7 tội trọng này là những tội làm cho người chia cách với thiên đàng:


1. Superbia: Kiêu ngạo
2. Avaritia: Hà tiện
3. Luxuria: Ham muốn xa xỉ
4. Ira: Giận dữ, hận thù
5. Gula: Ích kỷ
6. Invidia: Ganh tỵ
7. Acedia: Lười biếng


Hết cuộc lễ...người pha trò, tên hề bị đánh đuổi ra khỏi thành phố...tượng trưng cho sự từ bỏ tội lỗi, giữ mình trong mùa chay chuẩn bị đón lễ Phục sinh!
Ngày nay nhân vật pha trò dấu mình trong những chiếc mặt nạ, có thể là người tốt, có khi là kẻ xấu...để nói lên những điều bình thường ít ai dám nói mà không bị trách phạt vì đó chỉ là tên hề và cuộc chơi của hắn. Tên hề cũng là người duy nhất trong cung điện vua chúa ngày xưa được quyền sống hai mặt và có cái gọi là tự do ngôn luận.

Dù xưa hay nay người pha trò và vai tuồng của hắn đều mang một ý nghĩa nhắc nhở: “Ngươi có thể thử, có thể đóng tuồng nhưng đừng cả đời vùi mình vào những cuộc chơi vô nghĩa, những phù phiếm thế gian mà nên biết lúc dừng, tìm hiểu xem cái chi thật sự quan trọng đối với ngươi.”

Lễ hội Karneval được chấm dứt bằng thứ tư lễ tro. Vào ngày này người công giáo đi lễ và nhận dấu thánh giá bằng tro trên trán với ý niệm tro bụi sẽ trở về cùng tro bụi...mọi việc trên thế gian này rồi cũng sẽ qua đi, tan biến. Còn chăng là niềm tin vào sự hằng sống sau cái chết!

23.02.2020 - Karnevalsonntag
TT-Thanh Trước

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét