Thứ Hai, 22 tháng 6, 2020

TIẾNG CƯỜI TRẺ THƠ

TIẾNG CƯỜI TRẺ THƠ

Hổm rày trong làng Nhã xôn xao với vụ Tết Trung Thu. Mọi người lo làm lồng đèn vui ghê. Nó cũng được cho ké làm đèn kéo quân.
Đã từ lâu, từ ngày Nó bỏ cái xóm nhỏ thân thương của Nó mà đi bụi thì Nó đã không biết Tết Trung Thu là gì nữa. Nơi Nó đang sinh sống không có Tết Trung Thu, nhưng trẻ con nơi đây cũng biết làm lồng đèn và đi rước đèn, chỉ là vào ngày khác và ý nghĩa c
ũng hoàn toàn khác.

Tương truyền Martin von Tours (317-397) là con của một quý tộc La Mã và được mọi người ca tụng về tấm lòng hào hiệp của ông. Vào một buổi sáng tháng hai, ông cùng người tuỳ tùng cưỡi ngựa trở về sau một chuyến chơi đêm. Trời đang bão tuyết, gió lạnh cắt da. Trước cổng thành một người ăn mày rách rưới đứng xin bố thí. Hai hàm răng rung lập cập miệng không thốt thành tiếng vì đói rét. Khách qua lại không ai dừng chân hay liếc mắt đến anh ta. Martin trông thấy nhưng số tiền mang theo mình đã phân phối hết cho những nông dân nghèo, giúp họ trả thuế. Không còn gì có thể cho, Martin rút gươm, cắt chiếc áo bào đỏ quý giá đang mặc trên người làm hai và chia cho kẻ ăn mày một nửa, đắp cho đỡ lạnh. Suốt cuộc đời Martin von Tours luôn giúp đỡ người nghèo khó. Với họ, ông là tia sáng, là nguồn hy vọng. Sau khi mất đi ông được tôn làm Thánh.

Tại Đức và Áo hằng năm vào ngày giỗ của ông (11.11) tích trên thường được diễn lại ở các trường mẫu giáo hay tiểu học, vừa để tưởng niệm một người nhân đức, khiêm nhường, vừa dạy dỗ trẻ em nên noi gương giúp đỡ kẻ khác.

Chuẩn bị cho ngày này, trẻ em ở các trường, các lớp với sự giúp đở của phụ huynh và thầy cô cùng nhau làm lồng đèn. Cũng đủ hình đủ loại, dù cách làm và dụng cụ có khác các nước Á châu chút ít. Không có tre, lồng đèn được làm bằng giấy bóng màu và giấy carton cứng. Nó học được cách làm lồng đèn bằng bong bóng và giấy bóng...rất lạ, rất hay. Thổi bong bóng lên, cột lại xong gắn hay để lên vật gì đó và bắt đầu trang trí. Giấy bóng đủ màu được cắt ra thành từng mảnh nhỏ. Quét hồ lên bong bóng, trong lúc hồ còn ướt thì đắp những mảnh giấy màu lên đó...kín hết quả bóng, chỉ chừa một vòng nhỏ chung quanh chuôi bóng. Ít nhất là hai lớp hồ và giấy. Sau đó để quả bóng đã được đắp giấy yên một, hai ngày cho khô hồ. Dùng kim châm ở chuôi bóng, xì hơi từ từ và lấy bóng ra khỏi vỏ giấy ngoài. Xỏ hai lổ vào vỏ giấy, cột dây kẽm để treo đèn lên cây cầm...thế là xong.

Đến ngày lễ St. Martin, trẻ con nôn nao cầm đèn tụ họp ở sân trường. Người đóng vai St. Martin cưỡi ngựa dẫn đường, các em cầm đèn đi cùng phụ huynh và thầy cô theo sau, vừa đi vừa hát những bài về lồng đèn, hay về St. Martin. Phong tục cầm đèn đi khắp xóm, ghé từng nhà này ý muốn đem ánh sáng, hy vọng, niềm vui đến cho mọi người. Dạo xóm xong cả đoàn trở về lại sân trường, nhóm lửa lên và diễn lại điển tích rút gươm xẻ áo. Sau đó mọi người cùng nhau ăn bánh, uống nước chút ít, trẻ em được phát túi quà nho nhỏ, thường là bánh kẹo và trái cây. Tiếng cười vui rộn rã giữa trời đêm lạnh giá!

Hoàn cảnh, phong tục, cuộc sống mỗi nơi mỗi khác, chỉ có tiếng cười trẻ thơ luôn giống nhau. Đêm Trung Thu hay St. Martin gì cũng thế, Nó luôn cầu mong cho thế giới tràn đầy tiếng cười trẻ thơ và bớt đi những mảnh đời bé bỏng khốn cùng.

22.06.2020
TT-Thanh Trước

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét