Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2022

TƯ PHỤ MY

Bình dẫn Đường Thi

TƯ PHỤ MY – Thi hào Bạch Cư Dị (772-846)
Viết ngắn Nguyễn Đại Hoàng & Thanh Trước –Titi Dang
****
Bạch Cư Dị đỗ tiến sỹ năm 28 tuổi, làm quan thời nhà Đường, là một trong những nhà thơ hàng đầu của lịch sử thi ca Trung Quốc, chỉ xếp sau Lý Bạch và Đỗ Phủ.

Vua Đường Tuyên Tông thậm chí còn gọi ông là Thi Tiên – thơ hay như thần tiên vậy!

Người đời sau thường nhắc đến những tác phẩm lớn của ông như Trường hận ca, Tỳ bà hành, Tần trung ngâm, Dữ nguyên cửu thư ….

Tính ra ông có hơn 2800 bài thơ, nhưng ở Việt Nam, được biết đến nhiều nhất có lẽ là hai bài thơ ngắn.

Bài thứ nhất là Hoa Phi Hoa đã được giới thiệu nhiều lần trên trang HADpages, nên hôm nay chỉ xin nói tới bài Tư Phụ My – sau đây :

思婦眉

春風搖蕩自東來,
折盡櫻桃綻盡梅。
唯餘思婦愁眉結,
無限春風吹不開。

TƯ PHỤ MY

Xuân phong dao đãng tự đông lai,
Chiết tận anh đào trán tận mai.
Duy dư tư phụ sầu mi kết,
Vô hạn xuân phong xuy bất khai.

MỘT SỐ BẢN DỊCH Ở VIỆT NAM

Bản dịch của học giả Trần Trọng San (1930-1998) :

Gió xuân phơi phới từ đông lại,
Bứt hết anh đào, nở hết mai.
Chỉ có sầu chau mày thiếu phụ,
Gió xuân không thổi mở cho ai

Hay bản dịch của GS Nguyễn Khắc Phi :

Gió xuân phơi phới thổi về đây,
Bẻ trụi anh đào, nở hết mai.
Chất chứa ưu tư riêng thiếu phụ,
Gió xuân thổi mấy vẫn chau mày.

Hoặc bản dịch của nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu :

Phương đông phơi phới gió xuân hoài,
Ngắt sạch anh đào nở rộn mai.
Thiếu phụ nhớ nhung mày ủ dột,
Gió xuân vời vợi dễ sầu phai

KÝ ỨC DỊCH THUẬT -

Bài thơ này rất lạ! Lạ bởi vì từ ngữ và ý nghĩa bài thơ đơn giản, nhưng hầu hết các bản dịch hiện hành đều có những sai sót nhất định! Đặc biệt là ở câu thơ thứ hai :

Chiết tận anh đào trán tận mai.
折 盡 櫻 桃 綻 盡 梅。

Ở đây có một vài từ cần chú ý -

Chữ CHIẾT (折) nhiều dịch giả dịch là BẺ, BẺ GÃY, BỨT – nhưng thực ra nó còn có nghĩa là UỐN CONG, BẺ CONG – chứ gió Xuân thổi ít khi nào gãy cành anh đào! Nên “ chiết tận anh đào” có thể hiểu là “làm anh đào nghiêng ngả”.

Chữ TRÁN (綻) nhiều dịch giả dịch là NỞ, HÉ NỞ - nhưng thực ra nó còn có nghĩa là XÉ, RÁCH – gió thổi xé rách những cánh mai.
Nên “trán tận mai” có thể hiểu là “làm hoa mai tơi tả”.

Nhưng mà hệ quả của cây anh đào nghiêng ngả, hay hoa mai tơi tả là gì?

Đó là hoa RƠI RỤNG, cả mai lẫn đào. Việc dùng hai động từ CHIẾT và TRÁN có thể là biện pháp tu từ để tạo sắc thái cho câu thơ mà thôi.

Chữ TẬN (盡) nhiều dịch giả dịch là HẾT, TẬN – nhưng lẽ nào gió xuân “phơi phới” – chữ của các dịch giả dùng-lại có thể làm RƠI RỤNG HẾT cả hoa mai lẫn hoa đào?

Bởi vì chữ TẬN còn có nghĩa là ĐỀU, CẢ, TOÀN …..

Chữ TẬN cũng có thể là thậm xưng để nói đến số lượng lớn mai đào -

Nên câu “ chiết tận anh đào trán tận mai” có thể hiểu là “ cả hoa mai lẫn hoa đào đều rụng” -

-

BẢN DỊCH THANH TRƯỚC - Titi Dang

Kim Chung nói với tôi:

-Câu thơ thứ hai “ Chiết tận anh đào trán tận mai” trong các bản dịch nói trên bị các dịch giả “dịch” ra tiếng Việt vừa “ thô bạo” vừa sai quá – đã làm hỏng cả bài thơ!

Thầy có biết dịch giả nào dịch đúng câu thơ này không? Em nghĩ nếu câu này mà dịch đúng bài thơ sẽ ổn ngay!

Tôi nói :

-Trước đây thì hầu như không có! Nhưng gần đây có bản dịch của một nhà thơ đồng hương Sa Đéc với tôi – Thanh Trước – Titi Dang! Tuyệt vời!

KHÉP MI

Phương đông lãng đãng gió xuân hoài
Rụng cánh hoa đào rũ nụ mai
Thiếu phụ sầu riêng mi lặng khép
Bên trời bão lộng chẳng buồn lay

……….

Vâng, chỉ là RỤNG và RŨ thôi! Và gió không phải là “ phơi phới” mà là “ lãng đãng” – từ này hàm chứa một nỗi buồn!

Và cho dẫu bản dịch này có phần phóng dịch nhưng lại sát với tinh thần nguyên tác, rất cảm xúc, lãng mạn nhẹ nhàng.

-Chữ LAY khéo quá phải không thầy? Bởi chữ KHAI nếu dịch là MỞ thì….

Vô Thường nói :

-Nếu chữ KHAI mà dịch là MỞ thì đúng! Nhưng khó giữ VẬN cho bài thơ.

Tôi bảo :

-Không chỉ thế đâu! Điều quan trọng nhất là chữ LAY thể hiện được khá trọn vẹn CÁI ĐỘNG – không chỉ là động hữu hình - ĐỘNG NHÃN (mở mắt) mà còn là động vô hình - ĐỘNG TÂM! Không ai biết! Không ai hay! Sầu mang một mình!

Trong khi đó chữ MỞ không mang hàm ý sâu như thế! Và “chẳng buồn lay” thể hiện sự BẤT ĐỘNG. Khép mi cũng có nghĩa là đóng cửa tâm hồn.

Kim Chung thắc mắc :

-Tại sao dịch giả dùng chữ “bão lộng” trong khi nguyên tác có đâu?

-Ở câu đầu đã nói “xuân phong – gió xuân” thì câu chót dùng “gió “ cũng đủ. Nhưng “ vô hạn xuân phong” – gió thổi vô tận, triền miên –các bạn nghe câu tục ngữ “ góp gió thành bảo” rồi mà ! Thế thì “vô hạn xuân phong” không phải “bão lộng” thì là gì đây?

Dịch thơ trước hết là phải theo tình, theo ý, rồi mới theo từ!

Vô Thường bảo:

-Bảo bên ngoài và cả bão trong lòng nữa! Bão lòng muôn thuở!

Kim Chung :

-Hay quá! Thực sự tài hoa! Dịch giả thực sự tài hoa! Mà thầy ơi thầy có bản dịch nào không?

-Có! Nhưng cũng mấy mươi năm rồi!

Tôi hiểu nàng thiếu phụ trong thơ cần sự lặng lẽ cô đơn, tôi hiểu bài thơ cần sự bất động cho nàng. Thông điệp của bài thơ vẫn là sự bất tử của của tình yêu – dẫu nhiều vết thương lòng năm tháng.

Mai đào vẫn rụng hàng năm. Gió Xuân vẫn thổi như tự bao giờ. Nhưng ngày xưa không trở lại!

MI SẦU

Gió xuân thổi tự phương đông
Ngàn mai phai rụng đào hồng ngả nghiêng
Mi sầu nàng khép ưu phiền
Hư không bất động bên thềm gió qua…

….

KHÚC VỸ THANH

Và nàng ngồi đó. Bên thềm xưa. Mi sầu khép chặt. Như thể để ưu phiền không đến từ mọi thứ mọi điều chung quanh. Chỉ còn nỗi sầu đọng lại. Chỉ nỗi sầu thôi. Gió xuân là hư vô.

Ẩn dụ về tình yêu nằm trong cơn gió mùa xuân đó. Là tuổi trẻ. Là yêu thương và tàn phá. Là hạnh phúc và biệt ly.

Tình yêu ấy, người thương ấy một đời phảng phất trong tôi theo gió ngàn xa xôi …
Xin lỗi em!

-!!!

NĐH

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét