Thứ Hai, 7 tháng 6, 2021

TÌM HOÀI BÓNG TA

Câu chuyện văn chương


TÌM HOÀI BÓNG TA
– Nhà thơ Thanh Trước
Bài viết Nguyễn Đại Hoàng
Ảnh Nhất Kỳ Nhất Hội FB.
**********
Nhiều thân hữu và các bạn trẻ hỏi tôi về nhà thơ Thanh Trước – Titi Dang.

Tôi chỉ biết chút xíu thôi.

Đó là một nhà thơ quê miền Sa Đéc, đồng hương tôi. Chị định cư nước ngoài. Xa quê cũng hơn bốn mươi năm rồi.

Các bạn hỏi tôi :

-Nhà thơ TT ở xa quê hương, ít có điều kiện sử dụng tiếng Việt, nên có cần “cố gắng” trong sáng tạo thơ không?

-Theo tôi là không các bạn ạ, điểm qua một số giai đoạn trong sự nghiệp thi ca của Thanh Trước, có thể thấy nhà thơ sử dụng tiếng Việt nhuần nhuyễn, nên hầu như không cần cố gắng chút nào!

Còn ngôn ngữ thơ?

- Nhà thơ đã sử dụng tất cả những từ tiếng Việt đạt nhất để diễn tả cảm xúc.

Còn tu từ?

- Nhà thơ giỏi tiếng Việt nên thơ Thanh Trước rất tự nhiên, chỉ trôi theo dòng cảm xúc, hoàn toàn không có dấu vết tạo tu từ.

Chỉ có thể nói rằng, thơ Thanh Trước là tự nhiên. Và tháng năm qua càng giúp cho thơ chị ngày càng thanh thoát hơn.

-----

Sự thật là THANH TRƯỚC xa quê đã lâu, thế nên trong nhiều tập thơ của chị, nỗi u hoài vẫn là dòng chảy chính.

Khi đọc thơ chị, ta có cảm giác như có một màn sương lãng đãng trước ánh nhìn về quê hương, về tình yêu, và về chính mình. Như một nỗi ám ảnh.

Những mùa tuyết trắng quê người cũng luôn hiện hữu trong thơ chị- thể hiện nỗi Cô Đơn triền miên. Những thao thức, ngậm ngùi.

Thời gian qua đi đã nhiều thập niên, những tưởng tiếng Việt đã ít nhiều phôi pha trong cuộc sống và thi ca của chị.

Thế nhưng người Sa Đéc ấy lại cho thấy một điều ngược lại : thơ chị đậm chất Việt, và thậm chí đôi khi còn có phần cổ điển, với những bài Đường luật! Niêm luật vững vàng.

Thí dụ bài thơ sau đây:

BƯỚC PHONG TRẦN

Buốt lạnh thềm chiều lá nhẹ rơi
Từng cơn gió lốc cuộn bên trời

Ưu tư mộng khép sầu còn đượm
Khắc khoải mơ về xót chẳng vơi

Xoải cánh thiên di lìa tổ ấm
Chùn chân viễn khách lạc đường đời

Xuân tàn ứ đọng niềm thương cảm
Lẻ bước phong trần suối lệ khơi...

Một bài thơ thất ngôn bát cú chuẩn! Ngữ đẹp tình nồng!

-

Trong một buổi cà phê, một lão thi nhân chuyên Đường thi, nghe tôi dẫn bài này, đã than đúng ba chữ :

-Xin bái phục!

Rồi nói tiếp:

-Thơ làm theo lối cổ, mà ngôn thi quá mới!

Buốt lạnh thềm chiều lá nhẹ rơi
Từng cơn gió lốc cuộn bên trời.

Chữ CUỘN hay quá! Còn “thềm chiều” lại rất nên thơ, rất buồn, gợi cả quê hương.

-Thế còn Lục Bát thì sao?

LẠC TRỜI YÊU

Gió lay rụng cánh thu sầu
Sầu rơi thấm đượm mưa ngâu giọt tràn

Tràn chung men đắng hoà chan
Chan vừa ngấn lệ mộng tàn đêm đơn

Đơn côi bóng lẻ mi hờn
Hờn câu duyên số vùi chôn biển đời

Đời gieo sóng gió nổi trôi
Trôi niềm ước vọng...lạc trời yêu xưa

-

-Một bài thơ Động và Tĩnh giao hoà. Rất nhiều động từ, tính từ. Đặc biệt cụm từ “ mộng tàn đêm đơn” hay quá!

-Còn bài lục bát này thì sao?

GIỌT CẠN

Giọt đời rót cạn...mi cay
Giọt ưu tư đọng
Tháng ngày phôi pha

Chôn câu ân ái nhạt nhoà
Giọt tình vụn vỡ...bóng tà huy đau

Hoàng hôn
chất chứa nỗi sầu
Mùa trôi lặng lẽ bên cầu nhân gian

Hương xưa sót chút nồng nàn
Cạn chung
Giọt đắng...
Lệ tràn giấc đơn

Sương đêm trắng nhuộm ngõ hồn
Gió khuya run rẩy...mộng còn chưa say...!

-Chỉ riêng một câu : “ Giọt tình vụn vỡ … bóng tà huy đau” là tại hạ chịu rồi? Gợi cảm quá! Quen mà lạ quá! Mà huynh đài ạ, “ giọt cạn” là giọt gì vậy?

Tôi trả lời:

-Giọt hư không của tâm thức!

Khi Thanh Trước làm thơ, chị là thi nhân!

………………………

Một người phong sương cũ như tôi đọc thơ Thanh Trước, luôn thấy ngậm ngùi.

Và đôi khi ta gặp những vần thơ sầu nhè nhẹ, như bâng khuâng trong sáng mưa xuân, men nồng như mối tình đầu, như bài TÌM HOÀI BÓNG TA sau đây – một bài thơ Bốn Mùa :

TÌM HOÀI BÓNG TA

Ta đi tìm sợi nắng
Dịu dàng trên cánh Xuân
Lung linh vờn cỏ biếc
Nhẹ vương gót chân trần

Ta cuộn mình theo gió
Vi vu thoảng bên thềm
Ngậm ngùi ve sầu Hạ
Ru hồn khúc điệu êm

Ta nghe lời mưa nhỏ
Lã chã rót vào Thu
Lá mùa phơi xác đỏ
Đường xưa lối sương mù

Tuyết phủ hồn băng giá
Đông tràn nỗi xót xa
Trăng rơi miền đất lạ
Ta tìm hoài...bóng ta

-

Bài thơ nhan đề giản dị chỉ là Tìm Hoài Bóng Ta, nhưng hồn thơ lại trải rộng đến nhiều khung trời kỷ niệm, giác quan đã vượt cảnh giới thời gian để có thể thấy, có thể cảm, có thể thổ lộ cùng vạn vật và thổ lộ với chính mình.

Ta đi tìm sợi nắng
Dịu dàng trên cánh Xuân
Lung linh vờn cỏ biếc
Nhẹ vương gót chân trần

Nắng Xuân Việt Nam là cả mảng nắng miền nhiệt đới, nhưng nhà thơ chỉ đi tìm vài sợi nắng cô đơn, trong một mùa Xuân nào đó, ta biết đó là nắng hôm nay mà Xuân xưa không trở lại.

Nắng trên cỏ biếc, nhẹ vương gót chân trần. Hình ảnh đó hết sức quen thuộc với tôi, bởi đúng là ngày xưa, tôi cũng thường tới một nơi gọi là Sa Nhiên- ngoại ô Sa Đéc - và nắng Xuân đúng là như thế đó!

Hồi xa xưa thật là xưa, bọn trẻ nhỏ chúng tôi thường hay đi chân không. Ngoài đồng ruộng. Ngày nay thì ít thấy rồi.

-

Ta cuộn mình theo gió
Vi vu thoảng bên thềm
Ngậm ngùi ve sầu Hạ
Ru hồn khúc điệu êm

Một cơn gió cuộn bên thềm cũng đủ khiến lòng ta cuộn gió tương tư.

Tương tư trong thơ TT không còn là nỗi nhớ một tình xưa. Mà là nỗi nhớ chính mình! Trong tâm thức đó nàng mới hiểu được tâm tư chàng nhạc sỹ ve sầu!

-

Ta nghe lời mưa nhỏ
Lã chã rót vào Thu
Lá mùa phơi xác đỏ
Đường xưa lối sương mù

Nếu có một cái gì đó gọi là nghệ thuật tu từ, thì ở khổ thơ này đã hiển hiện.

Tôi ngạc nhiên vô cùng với khoảnh khắc hư vô hoà theo cơn mưa của TT.

Chữ NHỎ vừa là tính từ, vừa là động từ. Cơn mưa nhỏ/ hay – cơn mưa nhỏ lã chả vào Thu! Nghĩa đôi. Đẹp quá!

Lá mùa phơi xác đỏ! Gợi nhớ những mùa pháo đỏ ngày xuân xưa! Hay những mùa trăng vu quy! Những giọt lệ hồng.

Và hai chữ LÁ MÙA thay vì hai chữ MÙA LÁ – là khoảnh khắc tài hoa thượng thặng đó! Bởi nghĩa khác nhau xa! Gợi cảm như một bức tranh Thu!

-

Tuyết phủ hồn băng giá
Đông tràn nỗi xót xa
Trăng rơi miền đất lạ
Ta tìm hoài...bóng ta

Nhiều thân hữu hỏi tôi – khổ thơ này hơi ngập ngừng phải không?

Có thể có một chút! Nhưng vẫn theo mạch cảm xúc. Tất nhiên rồi, bởi sau khi đã vương vấn Xuân, ngậm ngùi Hạ, man mác Xuân – thì đến mùa Đông, nhà thơ có một chút ngập ngừng, bởi khi đó:

Trăng rơi miền đất lạ
Ta tìm hoài …bóng ta

Chính hai câu thơ này đã giúp cho toàn bài thơ vẫn còn một khoảng lặng hẹn hò!

Năm xưa trong tuyệt phẩm Chiều Mưa Biên Giới, nhạc sỹ Đại Tá Nguyễn Văn Đông, cũng đã có một câu kết theo mô thức tình cảm tương tự :

Đêm đêm chiếc bóng bên trời
Vầng trăng xẻ đôi
Vẫn in hình bóng một người …

Vầng trăng in hình bóng một người? Có thể là bóng hình xưa. Hay chính ta. Trong những mùa trăng cũ, tôi vẫn tìm hoài bóng tôi. Như Titi Dang. Thanh Trước. Nhà thơ xa xứ quê tôi. Cánh chim thiên di cô đơn nước tôi - đã viết!

——

Xin cảm ơn nhà thơ Thanh Trước. Xin cảm ơn quý thân hữu và các bạn. Kính chúc sức khoẻ. Trân trọng. Nguyễn Đại Hoàng.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét