Thứ Năm, 9 tháng 8, 2018

TRI ÂM - TRI KỶ CỦA THƠ

TRI ÂM - TRI KỶ CỦA THƠ

Tôi nhớ cách đây không lâu, trong bài nói chuyện với anh Nguyễn Thiện chủ biên Tủ sách Thi Văn Việt về quan điểm : thế nào thì được gọi là TRI ÂM, TRI KỶ? Tôi đã trả lời : " tri âm, tri kỷ không phải chỉ đơn giản cùng đồng cảnh, đồng cảm ( như mọi người nghĩ) là có thể được gọi là tri âm, tri kỷ " mà nó phải có một sự kết nối THẦN GIAO CÁCH CẢM giữa hai tâm hồn. Trả lời vậy, nhưng tôi chưa đưa ra được sự chứng minh cho lời nói của mình.

Để được gọi là tri âm, tri kỷ không phải là dễ. Ngoài sự quý nhau vì tài, trọng nhau vì đức, mà họ còn phải có đồng sở thích, phải hiểu hết nghĩa, phải đối đúng lời, phải theo đúng ý và có thần giao cách cảm cùng nhau .
Thơ trên Facebook lượn qua trang nhau nhiều lắm! Người thấy hay là like, là comment, cao hơn nữa là người thấy bài thơ trúng ý nổi hứng họa theo. Có những bài thơ được rất nhiều người họa. Những người họa, có người rất giỏi, làm theo rất nhanh. Có người thơ của họ có khi còn hay hơn cả bài gốc nhưng cảm nhận của tôi chưa thấy đủ để gọi là tri âm, tri kỷ.


Mấy bữa nay, cũng vẫn là lượn lờ trên Facebook, qua các bài xướng - họa tôi phát hiện ra một cặp với tôi có thể gọi là TRI ÂM, TRI KỶ. Titi Dang - Vô Thường và xin mạn phép được lấy những bài thơ của họ ra để chứng minh.
Thơ của hai người đã có được những đặc điểm

HAI TÂM HỒN CÙNG MỘT CHÍ HƯỚNG

Ta hãy xem họ SAY

Titi Dang
Say anh
bầu rượu túi thơ
Say em dáng ngọc
bên bờ nhân sinh
Say trăng
soi mái hiên đình
Say đêm huyền thoại
ta mình ngất ngây

Say tình
hồn lạc trời mây
Say men ngọt đắng
nồng cay sầu đời
Say cùng
tiếng hát chơi vơi
Say môi ngọt lịm
trao lời ái ân
.....
Say cho đất thấp trời gần
Say rồi ta dệt mấy vần thơ say


Vô Thường

Say đời
men ái tình thơ
Say em tuổi mộng
duyên chờ ba sinh
Say đêm
nguyệt lộng bên đình
Hương ngời dáng mộng
đôi hình ngất say

Say ta
lạc nẻo những ngày
Say bầu rượu nhạt
đắng cay cuộc đời
Say ai
hồn lạc muôn nơi
Say ân ái lịm
men bồi đường yêu

Say thêm nắng trải men chiều
Say bờ mộng mị hồn phiêu tháng ngày


Dù là từng khổ, từng khổ nghĩa nương vào nhau, nhưng ý tứ của cả hai bài như họ đang cùng nhau đi, cùng dìu nhau về một hướng - ĐI VÀO TRONG THƠ .

HAI TÂM HỒN Titi Dang - Vô Thường HÒA QUYỆN với bài thơ LY CAY TRẦN THẾ thì thật sự là một sự hai đã nhập một. Như hai làn khói từ hai chân trời bay lên gặp nhau giữa khoảng không vũ trụ để mà phiêu diêu, để mà quên, để mà quấn quýt... Và chúng ta không biết, không thể tách, không thể làm chết bài thơ.

Ta vùi trong chén rượu cay
Vui đời thế tục đọa đày kiếp thân
Rong chơi giữa chốn phong trần
Cuộc người mấy thuở phù vân bóng chiều

Ta vùi hồn giữa cô liêu
Thẫn thờ nhịp bước liêu xiêu cõi tình
Sẩy chân bóng lạc mất hình
Cuối đường hiu quạnh chỉ mình với ta

Ta vùi thân cõi ta bà
Dối gian lừa lọc người ma...bất tường
Kiếp tằm nặng nợ tơ vương
Dệt câu hờ hững đoạn trường... đa đoan

Mai này về giữa mộ hoang
Ta thân cát bụi mây ngàn gió bay
Bạc phiêu qua chốn đọa đày
Bóng đời cũng chỉ khói bay vô thường


NGÔN TỪ ĂN Ý

Và rồi cứ thế Vô Thường xướng cũng có rất nhiều người vào họa, nhưng chỉ có Titi họa là ăn ý và ngược lại Titi Xướng Vô Thường họa mới có được những từ ngữ rất hợp và khớp nhau. Ta khó có thể đoán đoạn nào Titi làm, đoạn nào là Vô Thường làm.

Như hai bài CHIỀU NHỚ và ĐÊM RƠI của hai người ghép lại thành LẠC RƠI

Chiều rơi
nỗi nhớ tím mây
Hoang vu bờ cát hồn gầy cô liêu
Gió đùa
sóng biển hắt hiu
Tóc mây rối sợi vương nhiều xót xa
Nhạc ru
trên những phím ngà
Âm đưa vọng vẳng lời ca não nề
Nửa đời
chìm đắm u mê
Tay ôm lạc lõng...tình về chốn không!
....
Mênh mông....
Đời mãi.... Mênh mông
Gót hài rơi giữa
mây bồng lã say
....
Đêm rơi
Chạm xót hương gầy
Cô liêu rơi giữa
tháng ngày không em
Gió
miên man lặng bên thềm
Chơi vơi giọt nhớ
rũ mềm đi hoang
Ta rơi
mấy thuở nồng nàn
Yêu thương xa thẳm
lệ chan cõi lòng
Lá rơi xuống giữa mùa đong
Thu vằng vặc nhớ
mênh mông cuộc tình
Sương rơi
đón ánh bình minh
Em rơi về giữa
tim mình hoan ca
.....
Mấy mươi năm gọi là già
Cho hồn run rẩy bóng tà đổ nghiêng....


THẦN GIAO CÁCH CẢM

là điều không phải là ai cũng dễ có được. Thơ xướng -họa đối với họ như không khí, như liều thuốc tăng lực cho nhau. Chỉ cần đọc vài ba câu thơ của đối phương, hiểu tâm ý, trả lại bằng vài ba câu họa thế là yên tâm, thế là đủ cho nhau một ngày. Chỉ cần đôi ba ngày không đọc được câu chữ nào của nhau thì quay, thì quắt... Chính vì vậy giác quan số 6 của họ kết nối với nhau cũng rất nhạy. Tôi cũng đã thử nghiệm. Một người trong họ vừa xướng lên không một ai có khả năng nắm bắt nhanh và nhạy như hai người họ. Chỉ mấy phút Titi tung bài lên là lập tức sau đó là bài Vô Thường. khó có ai có thể lọt vô giữa mà câu từ, ý tứ xoắn xít khớp tìn rịt Như bài THỀM XƯA cứ người này một câu, người kia một câu mà ra một tuyệt phẩm

Từ đi cỏ đượm hơi sương
Gót chân phiêu lãng
đọng vương ân tình
Thềm xưa nhạt bóng phai hình
Sót câu thơ dở bên ghềnh rêu xanh...

Từ em giọt lặng trên cành
Từ anh mong mỏi bên vành môi cong
Viễn du trong cõi mây bồng
Kiếp đa đoan trải hư không cuộc đời

Từ mùa sang lá vàng rơi
Thu biên biếc mộng
hương ngời đi hoang
Từ ta vui giấc địa đàng
Dấu trần rơi giữa miên man tích trầm


Thật sự theo dõi cuộc chơi xướng - họa thơ trên Facebook của mọi người, tôi như được lọt vào thế giới giao duyên giữa các tâm hồn với nhau. Không tính tuổi tính tác , không có xa có gần, không môn đăng hộ đối tất cả những gì của phàm tục không thể có mặt ở đây. Và đặc biệt quý hiếm vô cùng những cặp yêu thơ nhau, trở thành tri âm, tri kỷ của nhau.

Đã là tri âm, tri kỷ giữa tâm hồn với tâm hồn thì nó mạnh lắm ! chẳng có thế lực nào có thể bứt phá. Tôi nói vậy không phải là để hù dọa những tình cảm đời thường mà chỉ muốn nói một điều : " kiếm được tri âm, tri kỷ trên đời rất khó! Người thân của ta có được ta phải thật trân quý, phải thật thông cảm " bởi lẽ có thể họ say sưa nhau hơn vợ hơn chồng đấy ! Họ mong chờ, nhớ nhung nhau đến phát bệnh đấy ! Và cũng nên cố gắng trở thành tri âm, tri kỷ của nhau.

 Tôi yêu cái cặp đôi Titi Dang và Vô Thường xướng - họa này lắm! Chẳng biết họ có nghĩ : họ là một cặp TRI ÂM, TRI KỶ không nhỉ?

Dresden 09/08/2018Hong Tran

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét