Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

LẬP LOÀ…

LẬP LOÀ…

Rượu nóng thơ say nét mực hoà
Trăng tàn tĩnh mịch não hồn hoa
Vi vu cánh gió ru tình lỡ
Bảng lảng sương khuya rót lệ nhoà
Vỡ chén càn khôn tan mộng điệp
Phai màu ái niệm xót quần thoa
Đèn hờ hững lụi thương sầu chiếc
Một khoảng hư vô bỗng lập loà…

30.06.2024
TT-Thanh Trước

 

MÃI NHỚ…

MÃI NHỚ…

Nhớ buổi thanh xuân nắng đượm hồng
Nhớ ngày tháng cũ chẳng mưa giông
Nhớ mùa phượng trổ lung linh bóng
Nhớ tiếng ve kêu nức nở lòng
Nhớ mấy câu hò xuôi gió lộng
Nhớ ngàn khúc hát thoảng thinh không
Nhớ bao kỷ niệm hồn dâng sóng
Nhớ chén men cay…cuộc rượu nồng.

30.06.2024
TT-Thanh Trước

 

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

XÓT CHIỀU

XÓT CHIỀU

Lặng dấu hoàng hôn lạc bóng chiều
Thuyền tình lỡ bến sóng cô liêu
Bao canh khúc điệu chênh vênh loãng
Mấy nhịp hò khoan khắc khoải nhiều
Gió tiễn người đi…chừng có nhớ?
Trăng soi gót bạt…chắc còn yêu?
Kinh trầm vọng tiếng xa xăm gọi
Rượu ngấm hơi sương…xót những điều.

29.06.2024
TT-Thanh Trước

 

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

MÂY KHÓI

NHÂN SINH MỘNG ẢO TAN MÂY KHÓI
PHÚ QUÝ GIÀU SANG NGÓ HỮNG HỜ
(James Do)

MÂY KHÓI

NHÂN kiếp điêu linh mãi dại khờ
SINH thời ly loạn xót tình thơ
MỘNG mê thế tục nào ai hiểu
ẢO tưởng trần gian mấy kẻ ngờ
TAN giấc phù trầm, đêm khắc khoải
MÂY bềnh bồng, đọng lệ sương mơ
KHÓI bay tựa bóng hồn ta vỡ
PHÚ QUÝ GIÀU SANG NGÓ HỮNG HỜ.

27.06.2024
TT-Thanh Trước

 

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

NGHẸN LỜI

NGHẸN LỜI

Nước cuốn hoa trôi lạc mộng đời
Trăng tàn rượu cạn xót nào vơi
Ru đêm giấc muộn thơ trầm vọng
Dõi ánh sao khuya nhịp khẽ vời
Nhạt dấu rêu phong hờ hững bước
Hao mùa phế tích ngỡ ngàng khơi
Dường như thoảng tiếng hư không gọi
Vụn vỡ hồn sương…gió nghẹn lời!

23.06.2024
TT-Thanh Trước

 

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

NGẦN ẤY THÔI

NGẦN ẤY THÔI

Men cay ướp đắng bờ môi
Câu thơ chếnh choáng lạc trôi cõi tình
Uống đi em…lệ thương mình
Hồn sương dờ dật đợi bình minh xa

Chén này rót chỉ riêng ta
Say mèm giữa cõi ta bà thế nhân
Nửa hờ hững…nửa ân cần
Ngu ngơ cười khóc…chỉ ngần ấy thôi

Đêm tàn…thơ cạn…rượu vơi…

17.06.2024
TT-Thanh Trước

 

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2024

RÊU PHONG

RÊU PHONG

Lãng đãng sương mờ ngập bóng đêm
Men cay giọt đắng đượm môi mềm
Trăng gầy bước lẻ cô đơn chạm
Gió lạnh mi sầu trống vắng chêm
Nhặt chút hương yêu còn sót lại
Đan ngàn cánh nhớ mãi đầy thêm
Mùa rơi lặng lẽ hồn hoang phế
Mấy độ rêu phong đã quyện thềm…

16.06.2024
TT-Thanh Trước

 

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2024

NGÀY THÁNG ẤY…

NGÀY THÁNG ẤY…

Ngày tháng ấy…
men cay hoà bút mực
Giọt rượu nồng ta trút hết vào thơ
Con chữ ngả
cuồng quay
tràn trang giấy
Nét thanh tân vừa in chút dại khờ

Ngày tháng ấy…
mảnh linh hồn rực lửa
Khói vàng bay mờ mịt giấc mê đời
Ta hờ hững châm điếu sầu thiên cổ
Gom tro tàn đắp mộ…
lệ tình rơi

Ngày tháng ấy…
chung trà xanh lặng lẽ
Chén tri âm vỡ nát tự bao giờ
Từng ngụm đắng
ta rót vào cô quạnh
Ngâm đời mình trong khoảng trống hư vô

Đêm lành lạnh…
tiếng đêm trầm vang vọng
Ly cà phê đặc quánh những niềm đau
Vầng trăng khuyết không đủ soi lòng cũ
Gót trăm năm
về quên
dấu yêu nào…

15.06.2024
TT-Thanh Trước

 

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2024

THƠ ĐƯỜNG CỦA THANH TRƯỚC

THƠ ĐƯỜNG CỦA THANH TRƯỚC
Tùy bút Nguyễn Đại Hoàng
********
1. Tôi xin bắt đầu phần PHÁC THẢO LỜI BẠT cho tập THƠ ĐƯỜNG của nhà thơ Thanh Trước Titi Dang bằng một sự kiện văn chương thú vị.

Vâng, đó là sự kiện Sa Đéc quê tôi, một tỉnh lẻ nhỏ bé ở miền Tây sông nước, hơn trăm năm qua đã có 3 nữ sỹ văn chương nổi tiếng.

Đầu tiên là nữ văn sỹ người Pháp MARGUERITE DURAS (1914-1996) sinh ra ở Việt Nam, có thời gian sống ở Sa Đéc khi mẹ là bà Mary Legrand được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường nữ tiểu học Sa Đéc từ năm 1924- 1932.

Cũng trong năm 1932 bà theo gia đình về Pháp. Đến năm 1984, bà xuất bản cuốn tiểu thuyết Người Tình – L’Amant- bối cảnh là Sa Đéc ngày xa xưa, và lập tức nổi tiếng thế giới. Khi ấy bà đã 70 tuổi!

Bản dịch đầu tiên ở Việt Nam có nhan đề là Gã Nhân Tình – NXB Trẻ năm 1989, dịch giả là Đinh Kinh Hiệt, một bút danh của nhà thơ Tô Thùy Yên (1938-2019).

——

Kế đến là nhà thơ NGUYỄN THÙY SONG THANH– tên thật là Nguyễn Bạch Tuyết (1938-2022). Bà là hiền thê của nhà thơ tài hoa Khoa Hữu – Ngô Đình Khoa (1938-2012).

Thơ Nguyễn Thùy Song Thanh đã xuất hiện trên các tập san trước năm 1975.

Các tác phẩm đã xuất bản: Hừng Đông Sau Rừng 2003; Cánh Cửa năm 2014, và Những Ngón Tay Đánh Rơi Của Thượng Đế năm 2019.

Thơ trữ tình của bà thường nặng những suy tư của thời đại và đẫm chất trí tuệ.

Nhận định về thơ Nguyễn Thùy Song Thanh – nhà văn Gió –O Lê Thị Huệ viết:

“Thơ hay ngang ngửa với bất cứ tài thơ lừng danh nào của thế giới. Thơ trong tập thơ CÁNH CỬA của Nguyễn Thùy Song Thanh cùng với một số thơ Việt Nam xuất hiện khoảng mấy mươi năm trở lại đây, mở cửa khai phá cho một hầm mỏ thi ca lẫy lừng của Việt Nam, có thể sánh vai với bất kỳ thi ca nào của thế giới. Tôi có thể nói thế, chỉ riêng cho lĩnh vực thơ Tiếng Việt trong lúc này”

——

Và người thứ ba chính là THANH TRƯỚC- Titi Dang - trái tim thơ Việt Nam ngoài viễn xứ - quen thuộc, tài hoa và vô vàn mến yêu của các bạn đấy!

Còn ở cấp độ quốc gia, Thanh Trước là nhà thơ nữ thứ hai của Việt Nam có một tập thơ Đường dày dặn công phu tâm huyết sau nữ sỹ Ngân Giang- Đỗ Thị Quế (1916-2002) – người được mệnh danh là Nữ Hoàng Đường Thi của Việt Nam trong thế kỷ 20.

2.

Nhiều thân hữu và các bạn trẻ hỏi tôi về nhà thơ Thanh Trước- Nguyễn Lê Thanh Trước - FB Titi Dang-

Tôi chỉ biết một chút thôi. Cô là người đồng hương Sa Đéc với tôi. Cách nhà tôi không xa lắm. Cô qua Đức từ đầu thập niên 1980, hồi mới 14, 15 tuổi- tính đến nay xa quê cũng mấy thập niên rồi. Và công việc của cô – chuyên gia máy tính- dường như cũng khá xa lạ với Văn Chương!

Nhưng các bạn ạ, như là duyên kiếp, cái tên THANH TRƯỚC của cô như một tình cờ định sẵn cô là một con người của văn chương- một thi sỹ!

-Thật vậy sao?

-Vâng. Nhiều người cho rằng trong hai chữ THANH TRƯỚC thì chữ TRƯỚC có thể là từ chữ TRÚC nói trại ra. Có một ví dụ là cây Trúc Đào ở Việt Nam vẫn còn được gọi là cây Trước Đào. Như vậy Thanh Trước cũng có thể hiểu là Thanh Trúc – cây trúc xanh.

Nhưng Thanh Trước 清著 còn có một cách hiểu khác, trong đó THANH có nghĩa là trong sáng, lặng lẽ, đẹp đẽ; còn TRƯỚC có nghĩa là văn chương, tác phẩm. Thanh Trước có thể hiểu là văn chương trong sáng lặng lẽ đẹp đẽ…

Và thực tế Thanh Trước đã có những tác phẩm Thơ sau đây:

-Nhặt Lá Sao Rơi – NXB Nhân Ảnh năm 2018
-Gót Trần – NXB Văn Hóa- Văn Nghệ năm 2018
-Vết Xưa – NXB Văn Hóa- Văn Nghệ năm 2019
-Men Tình – NXB Văn Hóa- Văn Nghệ năm 2019.
-Yêu -NXB Hội Nhà Văn năm 2021. In chung với nhà thơ Viên Nguyễn.

Và bây giờ là tập thơ thứ sáu, tập THƠ ĐƯỜNG mà các bạn đang cầm trên tay.

3.

Nhiều bạn trẻ ngạc nhiên:

-Thơ Đường sao!

Các bạn ạ, tôi cũng ngạc nhiên lắm, khi lần đầu tiên nhận được bản thảo tập THƠ ĐƯỜNG của Thanh Trước hồi tháng 6 năm 2023.

Thứ nhất là vì, hiện nay thơ Đường gần như đã thoái trào tại Việt Nam. Thứ hai là ở Việt Nam không nhiều nhà thơ nữ viết thể thơ này. Thứ ba là Thanh Trước xa quê sang nước Đức từ những năm mới 14, 15 tuổi.

Ở lứa tuổi đó thì làm thơ Việt còn khó nói chi thơ Đường, thể thơ có khuôn khổ nghiêm ngặt và phải có một vốn liếng Tiếng Việt, Hán Việt, và cả chữ Hán nữa, tương đối phong phú dồi dào.

Thứ tư là Thanh Trước vốn đồng hương với tôi- Sa Đéc, một tỉnh lẻ miền Tây, không có nhiều hoạt động văn chương như chốn kinh thành hoa lệ như Sài Gòn, Cần Thơ…

Và cuối cùng, thứ năm là Thanh Trước đã sáng tác đến mấy trăm bài thơ Đường, đủ đề tài, đủ thể loại, và có cả phần dịch thơ Đường nữa!

Lại có nhiều tiếng ồ lên:

-Tới mấy trăm bài thơ Đường sao?

-Vâng! Cụ thể chỉ tính riêng tập Thơ Đường đã có 225 bài được giới thiệu, phân bố trong 3 phần:

+Phần I – THƠ ĐƯỜNG NHIỀU THỂ LOẠI / NHỮNG VẦN THƠ THẾ SỰ- Phần này gồm có 181 bài đánh số từ số 1 – 181.

+Phần II – THƠ VỊNH VỀ CÁC NHÂN VẬT VÕ HIỆP VÀ LỊCH SỬ- Phần này gồm 16 bài đánh số từ số 182- 197.

Phần III – THƠ DỊCH HÁN VIỆT và THƠ HÁN VIỆT- Phần này gồm 28 bài đánh số từ số 198- 225.

Nhiều bạn trẻ tỏ vẻ thất vọng khi biết đây là một tập thơ Đường, vì nói chung thơ Đường vẫn nổi tiếng là khó làm, khó đọc, khó hiểu, thiếu cảm xúc so với các thể thơ khác.

Tôi bảo:

-Những nhận định nói trên của độc giả và các bạn có phần đúng. Nhưng mà có lẽ các bạn sẽ bất ngờ khi đọc thơ Đường của Thanh Trước đấy!

-Thầy nói sao chứ, bài thơ Đường hay và nổi tiếng như bài thơ Qua Đèo Ngang sau đây của Bà Huyện Thanh Quan:

QUA ĐÈO NGANG

Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, rợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta

Vậy mà chiếu theo BÁT BỆNH của thơ Đường, bài thơ này dính đủ 8 bệnh luôn!

4.

Tôi bảo:

-Vậy thì các bạn có thể xem qua một bài thơ Đường tiêu biểu sau đây của Thanh Trước nhé.

MỘNG

Sương khuya đọng sót ngẩn ngơ thềm
Quạnh quẽ cô phòng giá lạnh chêm
Vĩ Dạ sầu rơi nhung nhớ trỗi
Tương Giang lệ rớt vấn vương kèm
Bơ vơ cánh nhạn trời xa mãi
Lạc lõng con đò bến vắng thêm
Cạn chén ưu tư vùi kiếp bạc
Hồn xiêu bóng ngã mộng qua rèm!

……..

5.

Một bạn trẻ thốt lên:

-Ui! Hay và tự nhiên quá! Không nghĩ đây là thơ Đường luôn đấy! Hai chữ ĐỌNG và SÓT đứng cạnh nhau đã khiến hình ảnh của giọt sương mang một dáng dấp của một thân phận. Câu thơ thứ hai:

Quạnh quẽ cô phòng giá lạnh CHÊM

Không ai có thể nghĩ đến chữ CHÊM này thầy ạ. Em nghĩ thế. Lẽ thường là chữ THÊM chứ, nhưng chữ CHÊM lại khiến cho sự trống vắng như có một linh hồn bấp bênh, bất ổn, chứ không chỉ là sự giá lạnh vật lý!

Ôi ai lại đi CHÊM nỗi quạnh quẽ bằng giá lạnh cơ chứ? Chỉ có thể là ngòi bút thấu suốt của Thanh Trước!

Kim Chung xen vào:

-Hai câu Thực:

Vĩ Dạ sầu rơi nhung nhớ TRỖI
Tương Giang lệ rớt vấn vương KÈM

Thầy ạ. Em cũng không thể nào tưởng tượng nỗi làm sao cô Thanh Trước nghĩ được chữ TRỖI – khiến trong lòng độc giả nghĩ đến một tiếng KÈN Saxophone hay Trompet não nuột. Nhưng mà nếu hiểu TRỖI theo nghĩa thông thường- là trỗi dậy, ngồi dậy- thì ý nghĩa cũng có những gợi mở không kém!

-Thế còn chữ KÈM?

Vô Thường trả lời thay:

-Em cũng không nghĩ cô Thanh Trước lại có thể “nhìn ra” được chữ KÈM này! Vấn vương kèm theo lệ rớt. Nghĩa bình thường, chữ KÈM hàm nghĩa không chắc chắn. Nhưng chữ KÈM trong câu thơ này lại hàm một nghĩa khác- rất bền vững. Bao nhiêu giọt lệ, kèm bấy nhiêu vấn vương.

Thầy Chung Quân có ý kiến:

-Cô Thanh Trước nói rằng cô ấy chỉ làm thơ Đường, nhưng với bài thơ cụ thể này, cô đang làm thơ Đường Luật. Hai câu Thực và hai câu Luận – không thể đối chỉnh hơn nữa! Đặc biệt là hai câu Luận:

Bơ vơ cánh nhạn trời xa mãi
Lạc lõng con đò bến vắng thêm

Hai chữ LẠC LÕNG mà Thanh Trước dùng đã cho thấy nghĩa nguyên thủy của hai từ này- vốn nghĩa tản mát, tan tác vào chỗ lạ, chứ không phải chì là nghĩa “cô đơn” như bây giờ. Điều này đã khiến câu thơ, không, những câu thơ của Thanh Trước như có một LINH HỒN.

Lời bình của thầy Chung Quân khiến tất cả chúng tôi chạnh lòng với nỗi ngậm ngùi man mác lan tỏa trong bài thơ.

Quý Chương nói thêm:

-Hai câu Kết:

Cạn chén ưu tư VÙI KIẾP BẠC
Hồn xiêu bóng ngã MỘNG QUA RÈM!

Em cảm được nhưng chưa thấu được ý tình thơ, đặc biệt là câu chót.

Tôi đáp:

-Muốn hiểu câu thơ chót này, chúng ta hãy trở lại bài thơ Xuân Tứ 春思 miêu tả tâm trạng của nàng cô phụ chờ đợi phu quân về, của thi nhân Lý Bạch (710-762) đời Đường, với hai câu cuối:

春風不相識
何事入羅幃

Xuân phong bất tương thức
Hà sự nhập la vi

Dịch nghĩa- NĐH

Gió xuân chẳng quen biết
Cớ chi thổi qua rèm

Bản dịch của nhà thơ Tản Đà (1889-1939):

Gió xuân quen biết chi mà
Cớ chi lọt bức màn là tới ai

Bản dịch của nhà thơ Khương Hữu Dụng (1907-2005):

Gió xuân ai biết chi cùng
Cớ sao len lỏi vào trong màn là

Cũng trong tập Thơ Đường này, Thanh Trước đã dịch là:

Gió Xuân chưa từng biết
Cớ gì lộng màn mơ

Các bạn ạ. Chữ NHẬP 入, Tản Đà dịch là LỌT, Khương Hữu Dụng dịch là LEN LỎI – chỉ có Thanh Trước dịch rất hay là LỘNG!

Còn nữa, chữ VI 幃 có nghĩa tấm màn, tấm rèm bằng lụa. Tản Đà và Khương Hữu Dụng cùng dịch là MÀN LÀ. Chỉ có Thanh Trước dám dịch là MÀN MƠ!

Tấm màn, tấm rèm gió xuân lay trong mơ! Như vậy không chỉ gió xuân lộng qua rèm, mà MỘNG cũng lộng qua rèm như vậy đó!

-Tuyệt bút!

…….

Quý thân hữu và các bạn thân mến, đến đây hẳn các bạn đã rõ vì sao một tập thơ không dày lắm như tập THƠ ĐƯỜNG của Thanh Trước mà gần cả năm trời tôi mới viết xong phần LỜI BẠT. Vâng, chỉ là vì mỗi bài thơ của Thanh Trước đều xứng danh một tác phẩm nghệ thuật!

Quý thân hữu và các bạn đón xem những phần tiếp theo của PHÁC THẢO LỜI BẠT cho tập Thơ Đường của Thanh Trước cũng đăng trên trang này nhé.

Những bình luận, chia sẻ của quý thân hữu và các bạn người Việt trên khắp thế giới sẽ góp phần vào LỜI BẠT chính thức.

Kính chúc sức khỏe quý thân hữu và các bạn.

NGUYỄN ĐẠI HOÀNG
 

GIÓ SƯƠNG

GIÓ SƯƠNG

Lạc bước tình trần nợ gió sương
Long đong kiếp sống cuộc vô thường
Xuân tàn hạ vãn tơ còn vướng
Nắng nhạt hoa sầu ái mãi vương
Cạn chén nhân sinh hoà ức niệm
Đong ly thế tục dỗ miên trường
Cung trầm chất chứa đêm hoài cảm
Lệ trắng đưa hồn cõi mộng nương…

14.06.2024
TT-Thanh Trước

 

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2024

CHÊNH CHAO

CHÊNH CHAO

Miên man lạc giữa cơn say
Nửa mê nửa tỉnh đêm ngày…
miên man

Trăm năm một giấc phù trần
Phủ đời sương khói cũng ngần…
trăm năm

Chênh chao thuyền bỏ tay dầm
Trùng khơi sóng gọi thì thầm…
chênh chao

Về thôi…hồn úa xanh xao
Lệ phù dung đã phai màu…
về thôi…

05.05.2024
TT-Thanh Trước

 

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2024

MƯA SẦU THÁNG SÁU

MƯA SẦU THÁNG SÁU

Mưa tháng sáu…
mưa sầu rơi lất phất
Giọt ngắn dài ngây ngất giữa cơn say
Lá bay bay từng cánh lá u hoài
Lời tình nhỏ lạc loài vương nỗi nhớ

Mưa tí tách…
hạt mưa ngâu vụn vỡ
Gót chân nào bỡ ngỡ lối thềm xưa
Ngõ yêu nay còn đọng chút hương thừa
Dòng thư cũ chất vừa khung kỷ niệm

Mưa tháng sáu…
mưa sầu loang mực tím…

01.06.2024
TT-Thanh Trước